Vốn ngoại đủ lớn kéo thị trường tăng mạnh

(ĐTCK) Dòng vốn ngoại đang tiếp tục quay trở lại, đảm bảo cho VN-Index sẽ đạt ít nhất tại vùng cân bằng động 530 điểm trong năm nay.
Ông Trần Hoàng Sơn Ông Trần Hoàng Sơn

Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường CTCK Ngân hàng Quân đội (MBS). Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi về dự báo xu hướng thị trường cuối năm nay.

Theo ông, đâu là những điểm tựa cho TTCK trong những tháng cuối năm?

Tôi cho rằng, có 4 yếu tố sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến diễn biến của thị trường trong thời điểm cuối năm 2013

Thứ nhất, kết quả kinh doanh của các DN niêm yết tiếp tục đóng vai trò cốt lõi cho sự hồi phục về giá cũng như làm điểm tựa niềm tin cho giới đầu tư. 9 tháng đầu năm, nhiều DN niêm yết đã đạt kết quả kinh doanh khá khả quan, không ít DN đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm như: CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) đạt 113,9% kế hoạch lợi nhuận năm; CTCP Dệt may Thành Công (TCM) đạt 102% kế hoạch lợi nhuận năm; CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN) đạt 135% kế hoạch lợi nhuận năm… Những điểm sáng đó cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN tốt đang hồi phục theo diễn biến hồi phục chung của kinh tế.

Thứ hai, việc VAMC tiếp tục mua thêm 3.850 tỷ đồng nợ xấu từ 4 ngân hàng. Dự kiến, VAMC sẽ mua tiếp khoảng hơn 30.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. Thông tin này sẽ hỗ trợ rất lớn đến thanh khoản chung của hệ thống cũng như dòng tiền vào TTCK, hỗ trợ tâm lý thị trường tích cực hơn.

Thứ ba, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch khắc phục sự chậm trễ trong khâu thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội và khả năng trong thời gian tới, việc giải ngân cho vay với dự án nhà ở xã hội sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Từ đó, tác động tích cực đến thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Thứ tư, dòng vốn từ NĐT nước ngoài quay trở lại từ tháng 9, sau đợt bán ròng mạnh trước đó. Nếu không có yếu tố đột biến từ kinh tế thế giới mà đặc biệt là kinh tế Mỹ, tôi cho rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục quay trở lại thị trường Việt Nam, qua đó hỗ trợ TTCK hồi phục và khả năng sẽ đạt ít nhất tại vùng cân bằng động 530 điểm trong năm nay.

 

Các yếu tố kinh tế vĩ mô trong những tháng còn lại của năm 2013 có điểm gì cần lưu ý, thưa ông?

Tăng trưởng GDP năm nay sẽ không đạt mức dự kiến là 5,5%, nhiều khả năng ở mức khoảng 5,3% do sức cầu còn yếu, dư địa kích thích kinh tế của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã không còn. Lạm phát có thể thấp hơn năm ngoái do các yếu tố tăng sốc của các dịch vụ công đã không còn, trong khi sức cầu nền kinh tế vẫn còn yếu. Lãi suất cho vay giảm, một số nguyên liệu đầu vào cơ bản cũng khá ổn định giúp DN giảm chi phí nên sẽ bớt áp lực tăng giá bán trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Tỷ giá VND/USD dự đoán tăng nhẹ khoảng 1-2% theo mục tiêu điều hành của NHNN.

 

Vậy theo ông, trong giai đoạn tới, NĐT có thể lựa chọn cổ phiếu ngành nào để đầu tư?

Dự báo, kết quả kinh doanh quý III và quý IV năm 2013 của các DN sẽ không có nhiều đột biến, song sẽ có cải thiện khi các công ty đầu ngành như VNM, GAS, PVD, FPT… vẫn có sự tăng trưởng và nhóm công ty sản xuất có vị thế tốt trên thị trường (như CSM, DRC, PGD,HPG, KDC, TLG, PGS …) được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất giảm. Các DN sản xuất bánh kẹo (KDC, BBC…) và đồ dùng học tập (SED, DAE, TLG….) khả năng sẽ có sự cải thiện về lợi nhuận do yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, các lĩnh vực như ngân hàng, xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo tôi, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt trong các ngành có triển vọng như dược phẩm, nhựa, sản xuất săm lốp, hàng tiêu dùng, cao su tự nhiên, khí gas để đầu tư ngắn hạn.

 

NĐT có nên tiếp tục kỳ vọng việc tăng room từ 49% lên 60% khiến TTCK Việt Nam sôi động hơn?

Tôi cho rằng, room 60% là tỷ lệ đủ để hấp dẫn các NĐT nước ngoài do ở tỷ lệ này, họ có thể giam gia sâu vào hoạt động quản trị DN, từ đó có thể yên tâm để đầu tư lâu dài. Nếu được thông qua, tỷ lệ mới này sẽ tác động rất tích cực tới TTCK Việt Nam , không chỉ ở các mã cổ phiếu đã hết room mà toàn thị trường. Bởi NĐT nước ngoài sẽ tin tưởng vào cam kết đổi mới mạnh mẽ và định hướng điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam .

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam chưa hấp dẫn NĐT nước ngoài còn do quy mô còn nhỏ, thanh khoản thấp, thiếu hàng hóa chất lượng, trong khi nhiều DN tiềm năng lại chưa được cổ phần hóa và niêm yết. Ngoài ra, cơ chế bảo vệ NĐT còn lỏng lẻo, thông tin kém minh bạch cộng thêm môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam bất ổn liên tục trong vài năm qua.

Nhưng cần lưu ý rằng, quyết định sự đi lên bền vững của thị trường vẫn là dòng vốn nội, dòng vốn ngoại đóng vai trò xúc tác, kích thích vốn nội giải ngân, từ đó thúc đẩy thị trường đi lên.

Phan Hằng ghi nhận
Phan Hằng ghi nhận

Tin cùng chuyên mục