Vốn ngoại dịch chuyển vào châu Á

(ĐTCK)  Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), dòng chảy vốn đầu tư toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh vào thị trường châu Á, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Khối ngoại đã quay lại mua ròng mạnh tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5/2025 với giá trị ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng (tương đương gần 200 triệu USD), mức mua ròng theo tháng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023. Ông có bình luận gì về diễn biến này?

Tính từ đầu năm đến ngày 16/5/2025, khối ngoại bán ròng với quy mô lên gần 32.800 tỷ đồng trên sàn HOSE. Điểm sáng của dòng vốn ngoại đã đến trong tháng 5 khi dòng vốn vào ròng thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng xu thế với các thị trường mới nổi tại châu Á, với quy mô mua ròng hơn 5.100 tỷ đồng.

Dòng vốn ngoại đã giải ngân mạnh vào nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, tài nguyên cơ bản. Top các mã mua ròng mạnh trong 2 tuần qua gồm MBB, MWG, FPT, PNJ, VPB, CTG, SHB…

Động lực mua ròng có thể xuất phát từ các yếu tố ngắn hạn như kỳ vọng về căng thẳng thương mại hạ nhiệt, kỳ vọng thị trường chứng khoán sớm được nâng hạng lên mới nổi sau khi triển khai thành công hệ thống giao dịch mới KRX và các cơ hội đầu tư hấp dẫn ở một số cổ phiếu cụ thể với định giá tốt.

Trong ngắn hạn, tôi cho rằng, đồng USD yếu và diễn biến tích cực của thị trường mới nổi, cận biên trong thời gian gần đây tạo sức hút cho dòng vốn ngoại trở lại trên nền tảng căng thẳng thương mại và địa chính trị giảm bớt. Tuy nhiên, một xu hướng ổn định và bền vững trong trung hạn phụ thuộc nhiều vào chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Tín hiệu mua ròng trở lại là một dấu hiệu tích cực và có thể là bước ngoặt đầu tiên, nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận rằng dòng vốn ngoại đã đảo chiều hoàn toàn. Cần theo dõi thêm tín hiệu từ ETFs, quỹ chủ động và thông tin về room ngoại được nới tại các doanh nghiệp lớn trong thời gian tới để có cái nhìn rõ ràng hơn.

Giai đoạn năm 2021 và 2023, có những tháng, khối ngoại mua ròng rồi lại nhanh chóng quay lại bán ròng. Do đó, một tháng mua ròng mạnh chưa đủ để khẳng định xu hướng đảo chiều bền vững. Thường cần ít nhất 2 - 3 tháng mua ròng liên tiếp, kèm theo sự lan tỏa rộng trên nhiều nhóm ngành, khi đó khả năng đảo chiều mới đáng tin cậy hơn.

Ngoài ra, khi Việt Nam được tổ chức FTSE nâng hạng lên mới nổi (kỳ vọng trong tháng 9 này), dòng vốn giải ngân từ các quỹ chủ động lẫn ETF tham chiếu theo rổ chỉ số sẽ mua ròng cổ phiếu Việt Nam với quy mô lên tới hàng tỷ USD, qua đó mang lại nhiều kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường. Bởi nếu câu chuyện nâng hạng được kích hoạt, khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua ròng trở lại với lượng lớn và sẽ duy trì điều đó trong nhiều tháng liền.

Động thái mua ròng của khối ngoại trong tháng 5 đã tác động tích cực tới tâm lý thị trường

Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng vốn quốc tế vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam? Sự suy yếu của USD hay các yếu tố nào thúc đẩy dòng vốn ngoại quay trở lại?

Diễn biến đảo chiều quay lại mua ròng ở thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong 4 tuần gần đây do tác động của những yếu tố vĩ mô chính như:

Thứ nhất, căng thẳng thương mại hạ nhiệt. Căng thẳng thương mại toàn cầu dịu bớt sau khi Mỹ chủ động đàm phán thành công với Vương quốc Anh, giảm thuế quan với Trung Quốc, đàm phán đạt kết quả tích cực với Ả rập Saudi và các quốc gia Trung Đông đã đem lại niềm tin và những tín hiệu tích cực cho thị trường.

Thứ hai, đồng USD suy yếu. Sự mất giá mạnh mẽ của đồng USD trong thời gian qua do lo ngại về tác động tiêu cực của chính sách thuế quan từ Mỹ đến tăng trưởng kinh tế nước này đã làm giảm sức hấp dẫn của tài sản Mỹ. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Mỹ liên tục lập đỉnh khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ cho thấy làn sóng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Các thị trường mới nổi phục hồi mạnh hơn sau nhịp biến động của tháng 4 vừa qua, cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay hơn tại Trung Quốc đang tạo nên sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán châu Á và thị trường mới nổi.

Thứ ba, chính sách kích thích kinh tế tại Trung Quốc. Gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Trung Quốc đã tạo cú huých cho thị trường chứng khoán nước này, lan tỏa tâm lý tích cực đến các thị trường lân cận trong khu vực. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt xuống mức thấp mới tại cuộc họp tháng 5, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2024. Động thái này diễn ra sau các biện pháp nới lỏng tiền tệ toàn diện của Bắc Kinh được công bố vào đầu tháng này, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản lớn, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trì trệ và giảm bớt hậu quả tiềm ẩn từ căng thẳng thương mại đang diễn ra với Hoa Kỳ. Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất tiền gửi từ 5 - 25 điểm cơ bản, nhằm giảm bớt áp lực từ việc thu hẹp biên độ lãi suất khi Chính phủ đẩy mạnh các nỗ lực nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Chính sách nới lỏng tiền tệ ở Trung Quốc được kỳ vọng thúc đẩy dòng vốn ngoại quay lại châu Á vào cuối năm.

Thứ ba, định giá hấp dẫn của thị trường châu Á. Nhiều thị trường châu Á, bao gồm Việt Nam, có hệ số P/E thấp hơn mức trung bình 5 năm, khiến cổ phiếu trở nên “rẻ” và hấp dẫn hơn so với các thị trường phát triển như Mỹ, nơi định giá đã rất cao trong bối cảnh rủi ro đang tăng lên.

Dòng chảy vốn đầu tư toàn cầu đang có sự dịch chuyển, cụ thể sau những căng thẳng thuế quan, dòng vốn có xu hướng vào ròng mạnh thị trường châu Á, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Dòng vốn đầu tư kỳ vọng sẽ quay trở lại mạnh mẽ mặc dù còn khá sớm để khẳng định rằng xu hướng này sẽ kéo dài.

Một số cổ phiếu ghi nhận tăng mạnh trong giai đoạn gần đây, trong đó có nhiều mã nằm trong danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, nhóm cổ phiếu này liệu có nguy cơ đảo chiều nếu khối ngoại trở lại rút ròng?

Hiện tại, còn quá sớm để cho rằng xu hướng mua ròng trở lại của khối ngoại sẽ kéo dài do căng thẳng thương mại và những lo ngại về sự không ổn định trong chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn hiện hữu. Trong khi đó, vì xu hướng mua ròng dài hạn của khối ngoại chưa rõ ràng, nên dòng vốn ngoại ngắn hạn vẫn có thể chốt lời sau khi cổ phiếu tăng giá nhờ lực mua ròng, việc bán ra có thể để hiện thực hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, giá trị giao dịch hàng ngày của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 7 - 9% toàn thị trường chứng khoán nên dù nhìn họ bán ròng, nhà đầu tư trong nước có phần quan ngại nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến diễn biến chung của toàn thị trường, hay tác động đảo chiều đối với đà đi lên của thị trường nói chung hay cổ phiếu nói riêng. Trong khi đó, với số lượng tài sản còn lại không còn quá lớn, cường độ rút ròng của các quỹ ETF đã hạn chế hơn nhiều so với giai đoạn đầu năm nên việc tác động sẽ càng ít hơn nhiều.

Do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu mạnh, ưu tiên những cổ phiếu có động lực tăng trưởng, kết quả kinh doanh tốt trong năm nay, với động lực hỗ trợ mạnh từ Chính phủ, thay vì tập trung vào hành động ngắn hạn của khối ngoại và cần có sự kiên nhẫn khi thấy được tiềm năng của cổ phiếu đã lựa chọn.

Hoàng Anh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục