Sau 2 năm bán ròng liên tiếp với giá trị giao dịch ngày càng chiếm tỷ trọng thấp, động thái của khối ngoại đã không còn ảnh hưởng quá lớn đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, thời gian này, giao dịch mua ròng của khối ngoại mang đặc điểm tập trung vào số ít cổ phiếu và mua với khối lượng lớn trong một phiên. Chẳng hạn như ngày 14/5 khối ngoại mua vào 20,7 triệu cổ phiếu, trong đó mua ròng tới 17,5 triệu trong tổng số 33 triệu cổ phiếu VPB giao dịch trong ngày. Sau đó, ngày 15/5, khối ngoại mua ròng 22 triệu cổ phiếu trong tổng số 167 triệu cổ phiếu SHB giao dịch; hay mua ròng hơn 22 triệu cổ phiếu MBB cũng trong ngày 15/5...
Phải thừa nhận rằng, động thái mua ròng của khối ngoại đã lan tỏa tâm lý tích cực khi thị trường ở thời điểm nhạy cảm, chỉ số VN-Index đang ở vùng 1.300 điểm và có xu hướng điều chỉnh. Với nhà đầu tư cá nhân, câu hỏi được nhiều người đặt ra là, số ít mã cổ phiếu được khối ngoại mua vào số lượng lớn đó có gì hấp dẫn phía trước?
Với VPB, MBB hay phần nào đó là HDB, đó là những ngân hàng được nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% lên 49% vì đã tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém. Theo đánh giá của VIS Rating, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài cao hơn sẽ tăng khả năng huy động vốn mới cho các ngân hàng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tài sản mạnh mẽ. Ngoài ra, họ có thể được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, được hỗ trợ về thanh khoản… Nhưng có thể thấy, dòng vốn ngoại cũng lựa chọn doanh nghiệp mà tăng trưởng dựa trên thị trường nội địa là chủ yếu, nhằm tránh biến số khó lường của câu chuyện thuế quan phía trước.
Cho đến thời điểm này còn hơi sớm để xác định dòng vốn ngoại đã thực sự đảo chiều sau 2 năm bán ròng, nhưng xu thế của dòng vốn quốc tế và cả yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam đang ủng hộ cho xu thế này. Như các chuyên gia chia sẻ, dòng vốn quốc tế có xu hướng rút bớt khỏi thị trường Mỹ để dịch chuyển sang các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam khi đồng USD giảm giá. Ngoài ra, thị trường Việt Nam được hỗ trợ bởi chính sách nội địa và chuẩn bị bước vào thời điểm đánh giá nâng hạng trong tháng 9 tới.
Điểm tích cực nhất là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn khả quan. Theo Công ty Chứng khoán Kafi, lợi nhuận toàn thị trường quý I/2025 tăng 26,5% so với cùng kỳ. Sang quý II, khi những lo ngại về thuế quan dần bão hòa, những thông tin đàm phán cho thấy viễn cảnh sẽ đỡ xấu hơn nhiều so với thời điểm ban đầu, đồng thời doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm thị trường, động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mới.
Do đó, thời điểm hiện tại, chiến lược đầu tư tập trung vào các doanh nghiệp có yếu tố nền tảng vững và được hưởng lợi từ chính sách trong nước được khuyến nghị. Chiến lược này cũng tương đồng với danh mục đầu tư mà khối ngoại lựa chọn mua ròng trong hai tuần qua.
Những tín hiệu đó báo hiệu rằng, cho dù kịch bản nào của chính sách thuế quan thì thị trường chứng khoán cũng sớm tìm được điểm cân bằng và đi lên trong nửa cuối năm, khi năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như chủ đề Tiêu điểm của số báo Đầu tư Chứng khoán mà bạn đọc đang cầm trên tay.