Trong phiên thảo luận "Nhận diện các lĩnh vực bứt phá" tại Diễn đàn M&A 2019 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital chia sẻ, tại Việt Nam, với dân số đông và trẻ, nhu cầu về dịch vụ y tế, giáo dục, bán lẻ, tài chính - ngân hàng... là rất lớn, nên các lĩnh vực này thường xuyên nhận được sự quan tâm của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã từ lâu nằm trong "tầm ngắm" của dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là qua hoạt động mua bán sáp - nhập (M&A).
Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, lợi thế về dân số sẽ là cơ hội để dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ và ngành ngân hàng sẽ thúc đẩy thị trường M&A trong tương lai gần.
"Triển vọng tăng trưởng dịch vụ trong ngành ngân hàng rộng mở khi nhiều người tiêu dùng hiện còn chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng. Mặt khác, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đang thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và áp chuẩn Basel II vào đầu năm 2020 đối với một số ngân hàng và lộ trình tiếp theo sẽ được áp dụng đối với tất cả các ngân hàng. Vì thế, M&A lĩnh vực này sẽ bùng nổ thời gian tới", ông Hùng phân tích.
Thực tế, M&A trong ngành ngân hàng đã diễn ra ngay từ đầu của quá trình tái cơ cấu và hiện vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do còn những rào cản nhất định nên hoạt động này khó bứt phá. Chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2019, ông Nguyễn Phi Lân, Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ năm 2011 đến nay, mới có 6 tổ chức tín dụng Việt Nam được mua lại.
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động M&A ngân hàng thời gian qua chưa thể bùng nổ là do tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng còn bị hạn chế. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% (riêng tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, room ngoại là 35%).
Hiện tại, room ngoại tại các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, cũng như ngân hàng thương mại cổ phần hầu hết đã kín. Với các ngân hàng yếu kém, Chính phủ đã có chủ trương cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 100% vốn, song đến nay, vẫn chưa có thương vụ nào thành công. Theo ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao của Recof Coporation (Nhật Bản), mặc dù mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cũng như đưa các dịch vụ tài chính - ngân hàng tiên tiến áp dụng tại Việt Nam, nhưng việc tìm được ngân hàng mục tiêu để mua lại hoặc sáp nhập là không đơn giản.
Liên quan đến thu hút vốn ngoại qua M&A, ông Nguyễn Phi Lân chia sẻ, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn hai, đồng thời theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước phấn đấu từ nay đến năm 2020, có khoảng 14-15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II và sau đó toàn bộ ngân hàng sẽ hoàn tất tiêu chuẩn này, nên áp lực đối với các ngân hàng là không nhỏ. Vì thế, việc tìm kiếm đối tác ngoại luôn được các ngân hàng quan tâm nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.
Theo thông tin từ ông Michael Dc Choi, Phó tổng giám đốc KOTRA Hà Nội, Trung tâm M&A toàn cầu KOTRA (Hàn Quốc), sau thương vụ KEB Hana Bank đầu tư 880 triệu USD vào BIDV, hiện có 4 ngân hàng khác ở Hàn Quốc quan tâm việc mua cổ phần các ngân hàng nước ngoài, trong đó thị trường Việt Nam được đặc biệt quan tâm.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam, nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, nhận định, với xu hướng đã được định hình, M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng giữa các tập đoàn nước ngoài với ngân hàng trong nước sẽ sôi động trong thời gian tới.