Vốn ngoại chảy ngầm vào Việt Nam

(ĐTCK-online) Xuất hiện ngày một nhiều hơn các quỹ có quy mô nhỏ khoảng 30 - 50 triệu USD vào Việt Nam.
Dòng tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài đang âm thầm chảy vào thị trường Việt Nam - Ảnh: Hoài Nam Dòng tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài đang âm thầm chảy vào thị trường Việt Nam - Ảnh: Hoài Nam

Phần lớn doanh nghiệp đang khát vốn trong bối cảnh lãi vay ngân hàng quá cao, kênh huy động vốn qua TTCK gần như bế tắc. Tuy nhiên, có một dòng vốn nước ngoài, chủ yếu là các quỹ đầu tư nhỏ, đang chảy vào thị trường Việt Nam theo những cách thức thầm lặng, đổ vào các doanh nghiệp với mục đích đầu tư.

Công ty Auxesia Holdings đã tham gia thị trường Việt Nam được một thời gian, nhưng dường như ngoài đối tác làm việc trực tiếp, không mấy ai biết đến công ty này. Không PR, không phô trương rầm rộ, cách làm việc của Auxesia Holdings là thiết lập một mạng lưới NĐT nước ngoài, căn cứ trên yêu cầu, mong muốn loại hình doanh nghiệp đầu tư của họ để từ đó lựa chọn và tiếp cận doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Công ty đã bước đầu giải ngân thành công một số thương vụ ở quy mô trung bình. Với lợi thế có sẵn một lượng NĐT có tiềm lực tài chính tốt, Auxesia Holdings đang săn lùng những doanh nghiệp tiềm năng theo “khẩu vị” của khách hàng. Chính vì vậy, trong bối cảnh nhiều NĐT khác trên TTCK tập trung tìm cách thoái danh mục đầu tư, thì Auxesia Holdings lại hăm hở tìm kiếm cơ hội giải ngân cho mình.

Mô hình đầu tư này không chỉ riêng Auxesia Holdings thực hiện. Nhiều công ty nước ngoài cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam . Ngoài ra, theo tìm hiểu của ĐTCK, thời gian gần đây, không ít công ty đầu tư nước ngoài đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nhân sự tại Việt Nam để thúc đẩy cơ hội đầu tư. Một mô típ chung là tìm kiếm cơ hội đầu tư theo yêu cầu của phía đối tác, chủ yếu dừng ở quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, dòng vốn này đang len lỏi vào một bộ phận doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh tốt, phương án kinh doanh hiệu quả, nhưng thiếu vốn để mở rộng hoạt động.

Một công ty của Anh, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết, trong 6 tháng qua cũng đã tích cực tìm kiếm nhân sự và mở rộng nghiên cứu thị trường tại Việt Nam . Theo công ty này, không chỉ Việt Nam, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khoảng thời gian 3 năm tới.

Bên cạnh cách đầu tư cổ phần, một hình thức giải ngân khác của dòng vốn nước ngoài là cung cấp những khoản vốn trung gian. Cũng chú trọng đến nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, nhưng Quỹ tăng trưởng SEAF Blue Waters Việt Nam không đầu tư cổ phần, mà cung cấp những khoản vốn trung gian có quy mô từ 100.000 USD đến 2 triệu USD. Tính đến thời điểm này, SEAF đã giải ngân cho khoảng 15 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực khác nhau. Đặc điểm các khoản đầu tư của SEAF là dòng vốn mạo hiểm dài hạn (từ 1 đến 5 năm), kết hợp các đặc tính của vốn vay và vốn chủ sở hữu, các điều khoản hoàn vốn thường gắn với dòng tiền của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng khó khăn như hiện tại, các doanh nghiệp thiếu vốn, nhất là những doanh nghiệp khó khăn trong việc chứng minh tài sản thế chấp, nhưng không muốn chia sẻ quyền sở hữu doanh nghiệp trong tương lai, thì việc tiếp cận được loại hình quỹ đầu tư kiểu SEAF thực sự là một “cứu cánh”. Dù vậy, phương thức hoạt động của SEAF tại Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Ngoài quỹ này, một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng áp dụng thí điểm tại Việt Nam , nhưng mới dừng ở tiếp cận, mà chưa có kết quả giải ngân thực sự.

Giám đốc đầu tư một quỹ nước ngoài tại Việt Nam nhận xét, trong giai đoạn vừa qua, xu hướng dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam vẫn là chảy ròng ra nước ngoài. Tuy nhiên, điều đáng mừng là xuất hiện ngày một nhiều hơn các quỹ có quy mô nhỏ khoảng 30 - 50 triệu USD. Các quỹ này chủ yếu hướng tới những doanh nghiệp chưa niêm yết, có ngành nghề kinh doanh tốt, nhưng đang thiếu vốn.

Với bối cảnh nền kinh tế như hiện tại, khó có một sự đột phá trong thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các quỹ có quy mô nhỏ đó đều đang ở dạng dòng vốn “mồi”, nhằm khảo sát thị trường. Điều này có nghĩa là, các NĐT nước ngoài chấp nhận coi các khoản đầu tư nhỏ là cơ hội để thâm nhập vào khối các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, nhằm tìm kiếm cơ hội thực sự với những dòng vốn lớn khi TTCK quay trở lại giai đoạn bùng nổ.

“Nghiên cứu bài học các thị trường mới nổi cho thấy, sẽ mất khoảng 6 - 7 năm cho xu hướng suy thoái của TTCK Việt Nam . Sau đó sẽ là giai đoạn bùng nổ. Và chúng tôi chấp nhận đi trước để tìm ra những doanh nghiệp thực sự tốt trước khi sự bùng nổ ấy diễn ra”, giám đốc chiến lược khu vực Đông Nam Á của một công ty tại Anh chia sẻ.

Hoàng Hương
Hoàng Hương

Tin cùng chuyên mục