Ấn phẩm mới xuất bản toàn Ấn phẩm mới xuất bản toàn cầu của Cushman & Wakefield “Những thách thức và cơ hội tại các thị trường tiên phong và mới nổi” có nói tới các quốc gia VIP tại châu Á - Thái Bình Dương được xếp hạng cao. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về điều này?
Trong ấn phẩm mới xuất bản, 7 thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương đã được xếp hạng cao trong danh sách các thị trường tiên phong và mới nổi trên thế giới. Trong đó, Việt Nam, Indonesia và Philippines được đánh giá cao (VIP) với các phân tích chuyên sâu về đặc tính, hoạt động của nền kinh tế.
Các nước VIP, đặc biệt là Việt Nam, trong 10 năm qua, đã rất nỗ lực để tăng thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, thông qua việc nâng cao công tác quản lý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và cải thiện tính minh bạch. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực trong quản lý chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị trí của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Tín nhiệm Moody được công bố tháng 7 vừa qua.
Theo ông, các doanh nghiệp nước ngoài đang có cơ hội và thách thức gì khi đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bất động sản?
Những nỗ lực trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các biện pháp xử lý nợ xấu của Chính phủ đã mang đến niềm tin mạnh mẽ cho những nhà đầu tư đang hiện diện tại Việt Nam hoặc những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường này.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua các giai đoạn suy giảm chậm, phục hồi rồi ổn định, nhưng tồn đọng một lượng lớn các loại tài sản đóng băng lâu hơn dự tính. Chúng tôi đã thấy sự gia tăng nhu cầu giao dịch với các tài sản đang hoạt động có dòng tiền ổn định tại Việt Nam, dù cấp độ rủi ro cao hơn.
Ngoài ra, thị trường đang thiếu các dự án quy mô tầm cỡ, nguồn cung phân khúc này rất nhỏ, trong khi nguồn cầu gia tăng mạnh mẽ. Các tài sản này nếu đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đã phát triển ổn định, thì tỷ lệ lợi nhuận mang lại tương đối thấp, nhưng tại thị trường Việt Nam lại được giao dịch với tỷ lệ lợi nhuận cao, dưới 10%.
Nhìn chung, phần lớn những giao dịch trên thị trường thời gian qua được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cũng thấy sự gia tăng đáng kể sự hiện diện của các tập đoàn lớn trong nước trong các thương vụ vừa qua.
Ông nhận định gì về thị trường bất động sản Việt Nam năm 2014 và những năm kế tiếp?
Năm 2014 đánh dấu bước chuyển trong niềm tin thị trường, chậm nhưng tích cực. Lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, chúng ta ghi nhận được số lượng lớn các công ty nước ngoài và trong nước cam kết đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Hiện nay, trên đa số các loại bất động sản, vẫn còn nhiều tài sản tiềm năng nhờ có vị trí, quy mô và đặc điểm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhiều chủ tòa nhà tỏ ra hợp tác hơn trong quá trình thương thuyết với các đối tác tiềm năng, khi đưa ra mức giá mà tại thời điểm nóng như những năm 2007 - 2008 là không thể có được.
Các tập đoàn đa quốc gia không ngừng mở rộng quy mô, các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất hàng tiêu dùng nhanh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trong trung hạn, nhờ nhiều khuyến khích hỗ trợ từ Chính phủ. Theo sau những bước đầu tư này, đương nhiên bất động sản sẽ được hưởng lợi.
Ý kiến của ông về việc Việt Nam đang đón làn sóng M&A thứ hai?
Tôi không chắc liệu đây có phải sóng M&A thứ hai không, nhưng đúng là thị trường M&A đã sôi động hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư lớn đang lưỡng lự và chờ kết quả từ quá trình xử lý nợ xấu của Chính phủ, cũng như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) liệu có trở thành công cụ xử lý nợ xấu hay không.
Để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư tại thị trường bất động sản, Chính phủ nên đẩy mạnh tham gia các hiệp định thương mại, nới lỏng luật lệ, tăng cường nâng cao cơ sở vật chất, kiểm soát chính sách tiền tệ, liên tục giám sát tỷ lệ lạm phát...