Lách trần huy động, chây ỳ trả nợ
Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tín dụng trong tháng 1/2013 vẫn tăng trưởng âm. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là, làn sóng khuyến mãi để huy động vốn của các ngân hàng lại diễn ra rất rầm rộ.
Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Nội băn khoăn: “Có một thực tế rất khó hiểu là, mặc dù tín dụng không tăng trưởng, vốn trên thị trường liên ngân hàng không bơm ra được, nhưng vẫn có chuyện ở chỗ này, chỗ khác, một số chi nhánh ngân hàng vẫn tìm mọi cách lôi kéo, huy động vốn với chi phí không rẻ. Tình trạng lách trần làm méo mó thị trường đã xảy ra nhiều năm nay. Dù nhiều ngân hàng báo cáo là thanh khoản ổn định, song tôi cho rằng, NHNN cần tìm hiểu xem thực chất thanh khoản của một số ngân hàng có thực sự ổn hay không”.
Đồng tình với ý kiến này, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cũng khẳng định, dù không cho vay được, nhưng nhiều ngân hàng đang chạy đua huy động vốn bằng nhiều hình thức khuyến mãi, tặng thưởng cho khách gửi tiền. Nguyên nhân khiến các ngân hàng này phải lao vào cuộc đua thu hút tiền gửi là do cuối năm, nhu cầu rút tiền và vay vốn ngân hàng gia tăng. Tuy nhiên, lý do chính là nợ xấu chậm được giải quyết, khiến một số ngân hàng lâm vào cảnh “khánh kiệt”.
Cũng theo vị phó tổng giám đốc này, từ ngày 1/6/2013, khi các ngân hàng buộc phải phân loại nợ theo quy định mới, khả năng việc đua huy động vốn sẽ càng căng thẳng hơn, vì khi đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ phải tăng lên.
Khát vốn cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng không đòi được nợ của nhau trên thị trường ngân hàng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết: “Hiện chúng tôi có một số khoản nợ trên thị trường liên ngân hàng, chủ yếu là của một số ngân hàng tại TP.HCM, nhưng hơn 1 năm nay, dù đã đòi nhiều lần, song các ngân hàng này vẫn không có thiện chí trả nợ, thậm chí còn đưa ra những yêu sách rất phi lý”.
Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2011, nhiều ngân hàng thương mại vay vốn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất 25 - 30%/năm, nhưng sau 2 năm vẫn chây ỳ không trả, thậm chí còn đưa ra yêu sách với ngân hàng “chủ nợ” là chỉ chấp nhận trả nợ nếu lãi suất giảm xuống còn 12 - 15%/năm. Hiện tại, NHNN đã siết lại hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng, tuy nhiên, với những khoản đã cho vay từ trước, có vẻ chặng đường đòi nợ của các ngân hàng vẫn gian nan.
Một nguyên nhân nữa khiến dòng vốn ngân hàng khó khăn là do cơ cấu kỳ hạn dòng tiền chủ yếu vẫn là ngắn hạn. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Nội cho biết, tiền gửi từ dân cư tuy có tăng, nhưng vẫn chưa ổn định, kỳ hạn chủ yếu là 3 - 4 tháng, chi phí vốn vẫn rất cao. Thời gian tới, nếu các kênh đầu tư khác khởi sắc, việc thu hút vốn sẽ càng khó khăn với các ngân hàng.
Cấp bách xử lý nợ xấu
Theo ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt
Trên thực tế, thời gian qua, nợ xấu của các ngân hàng có giảm, nhưng không nhiều. Chưa kể, nhiều khoản nợ xấu “biến mất” là do các ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ, có nghĩa là các khoản nợ này vẫn nằm im, chứ chưa được xử lý dứt điểm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, giải pháp này mang lại lợi ích trước mắt là giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, song nợ xấu vẫn là nợ xấu nếu chưa được xử lý. Điều này cho thấy, năm 2013, thách thức lớn nhất của nền kinh tế vẫn là xử lý nợ xấu.
Ngày 31/1, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về “tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2013”. Theo Chỉ thị trên, NHNN vẫn đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt
Như vậy, khả năng sớm nhất cũng phải đến cuối quý I/2013, hai đề án trên mới được phê duyệt. Như vậy, phải đến quý II, việc xử lý nợ xấu mới được triển khai sâu rộng. Trong thời gian chờ đợi, rất khó để thị trường vốn có thể khơi thông.