Vốn ngân hàng sẽ hạn chế vào chứng khoán

(ĐTCK-online) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng, không phải do tăng trưởng dư nợ hiện đã ở mức cao nên các ngân hàng hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán, kinh doanh bất động sản, mà ngay cả sang năm, khi “room” tín dụng được mở, vốn ngân hàng vào 2 lĩnh vực trên cũng co dần. Các ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng, tập trung cho vay những doanh nghiệp làm ăn có lãi.
Ông Hồ Hữu Hạnh. Ông Hồ Hữu Hạnh.

Ông có thể cho biết, tình hình huy động vốn cũng như dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM sau khi lãi suất cơ bản được nâng lên 8%/năm?

Vốn huy động của các ngân hàng vẫn ổn định, nhưng tốc độ tăng trưởng dần chậm lại, cho dù lãi suất đã được điều chỉnh tăng. Tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM hiện được kiểm soát chặt hơn. Một phần là do nguồn vốn huy động trong dân cư gần đây tăng trưởng chậm, cộng với chênh lệch đầu vào - đầu ra thu hẹp nên các ngân hàng phải xem xét lại tăng trưởng dư nợ và kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng.

 

Nhiều người lo ngại, tăng trưởng tín dụng hiện ở mức cao và nguy cơ lạm phát tái bùng phát sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng trong năm tới?

Đến hết tháng 12 mới thống kê được con số tăng trưởng dư nợ tín dụng cụ thể toàn ngành, nhưng tôi cho rằng, tăng trưởng dư nợ trong tháng 12 này là không cao. Theo tôi, tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm tới vẫn bình thường. Khả năng dư nợ tín dụng sẽ tăng lên trong tháng 1/2010, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa mùa cuối năm Âm lịch gia tăng, nhưng tăng trưởng tín dụng đúng mục đích không phải là nguyên nhân gây ra lạm phát.

 

Vậy theo ông, khi tín dụng được mở “room” vào đầu năm tới, liệu các ngân hàng có đẩy mạnh cho vay chứng khoán, bất động sản như hồi đầu năm nay?

Đối với đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ không mở rộng cho vay, mà tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, những doanh nghiệp làm ăn có lãi. Đồng thời, các ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng.

 

Về gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, theo ông, việc không kéo dài thời hạn có tác động đến doanh nghiệp?

Theo tôi, kết thúc vào cuối tháng 12 này là vừa, không nên kéo dài, vì kéo dài sẽ làm mất tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, cũng không cần thêm gói hỗ trợ đệm. Điều quan trọng là phải giải quyết được công ăn việc làm cho công nhân. Các chủ doanh nghiệp phải cố gắng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khi chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn bằng VND kết thúc.

 

Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn, mặc dù được kéo dài đến hết tháng 12/2010, song các ngân hàng vẫn không mấy mặn mà, thưa ông?

Đúng là trong bối cảnh hiện nay để huy động được nguồn vốn trung, dài hạn không dễ đối với các ngân hàng. Bản thân nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thiếu vốn nên rất cần vốn trung dài hạn, trong khi tiết kiệm hiện nay thích chọn kỳ hạn ngắn ngày.

Vân Linh thực hiện
Vân Linh thực hiện

Tin cùng chuyên mục