Vốn lại đổ vào trái phiếu địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng rủi ro cũng được dự báo sẽ tăng do tác động của Covid-19 lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II/2021 gấp 3,7 lần quý I. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II/2021 gấp 3,7 lần quý I.

92.300 tỷ đồng trái phiếu địa ốc phát hành trong 6 tháng

Cùng với sự sôi động của thị trường chứng khoán, diễn biến thị trường trái phiếu cũng không kém phần hào hứng sau quãng thời gian ngắn làm quen với quy chuẩn mới từ Nghị định 81/2020/NĐ-CP.

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố ngày 26/7/2021 cho thấy, trong quý II/2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 164.000 tỷ đồng, gấp 3,7 lần quý liền trước và tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản là 64.400 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 44,4% tổng giá trị phát hành), tăng 131% so với quý liền trước và tăng 285% so với cùng kỳ năm 2020.

Các đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất đều là những thương hiệu đình đám trong “làng” bất động sản như Golden Hill, BIM Group, Hưng Thịnh Quy Nhơn, Wonderland... Bên cạnh phát hành trong nước, một số doanh nghiệp còn phát hành trái phiếu quốc tế như BIM phát hành 200 triệu USD, lãi suất 7,375%/năm…

Lũy kế 2 quý đầu năm 2021, “quán quân” phát hành trái phiếu tiếp tục là các doanh nghiệp bất động sản với giá trị phát hành lên tới 92.300 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,36%/năm, thấp hơn 23 điểm phần trăm so với bình quân năm 2020.

“Động lực chính để trái phiếu doanh nghiệp nói chung, lĩnh vực địa ốc nói riêng tiếp tục lên ngôi là mức chênh lệch khá lớn giữa lãi suất trái phiếu với lãi suất tiền gửi. Với việc mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp cũng như sự hạn chế trong tiếp cận vốn ngân hàng như hiện nay, kênh này được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong quý III”, báo cáo của SSI Research nhận định.

Dễ dàng trở thành dân chuyên nghiệp

Làm một phép thử để thấy “độ nóng” của trái phiếu doanh nghiệp, phóng viên đăng tin có nhu cầu tìm mua trái phiếu với vốn đầu tư vài trăm triệu đồng trong một nhóm đầu tư trên Facebook, chỉ sau vài phút đã có cả chục tin nhắn chào mời.

Trong khi đó, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định, đối tượng mua trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng thực tế vẫn có thể “lách” nếu khách hàng… có nhu cầu.

Theo Hương - một chuyên viên tư vấn tài chính, công ty chị sẵn sàng hỗ trợ thủ tục và điều kiện để cấp giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp nếu người mua có nhu cầu trực tiếp đứng tên hợp đồng đặt mua trái phiếu.

Ngoài ra, người mua cũng có thể ký hợp đồng hợp tác đầu tư, trái chủ nắm giữ trái phiếu là một bên thứ ba và cam kết trả lãi cho người mua. Hương cho biết, trái phiếu do công ty cung cấp có nhiều kỳ hạn cho khách lựa chọn, từ 3-6-9-12-15 tháng, lãi suất cao nhất 10%/năm, cao hơn đáng kể so với lãi gửi tiết kiệm ngân hàng.

Ông Nguyễn Anh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng cho rằng, bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh như hiện tại tạo động lực để nhà đầu tư tìm đến kênh đầu tư có lãi suất cố định như trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác, so sánh với lãi suất gửi tiết kiệm, mặt bằng lãi suất trái phiếu hiện khá hấp dẫn, ở mức 10-12%/năm.

Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi duy trì ở mức cao. Nguồn: SSI tổng hợp.

Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi duy trì ở mức cao. Nguồn: SSI tổng hợp.

Những năm gần đây, các nhà đầu tư cá nhân rất chuộng trái phiếu doanh nghiệp nhờ có lãi suất cao hơn đáng kể so với lãi tiết kiệm và thanh khoản tốt khi được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Trên thị trường, hiện có nhiều môi giới chào mời khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với những lời có cánh như “chỉ cần bỏ 1 tỷ đồng để mua trái phiếu sẽ có lãi cao hơn gửi tiết kiệm từ 50 triệu đồng/năm trở lên”…

Nếu như trước đây, khi thị trường còn thuận lợi, doanh nghiệp “ăn nên làm ra” thì việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không khiến nhà đầu tư phải tính toán quá nhiều, thì nay sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và đang trong thời kỳ giãn cách khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán lãi trái phiếu.

Chưa kể, thời gian qua xuất hiện những doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp, sửa chữa - bảo dưỡng ô tô, karaoke, nhà hàng... vốn là những ngành hàng không thiết yếu, dễ bị tác động bởi quy định phòng chống dịch bệnh, nhưng vẫn đều đặn gửi thông tin mời chào nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất lên tới 18%/năm chỉ với khoản đầu tư 1 tỷ đồng… nhằm đánh vào “lòng tham” của nhà đầu tư.

Trong cảnh báo mới nhất, Bộ Tài chính cho biết, nhà đầu tư mua trái phiếu cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo cơ quan này, có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, do đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên “lách” quy định bởi có thể gây rủi ro cho chính mình.

Rủi ro gia tăng

Giới chuyên gia nhìn nhận, thị trường chứng khoán dự báo sẽ kém thuận lợi hơn trong những tháng cuối năm và điều này có thể thúc đẩy nhà đầu tư đến với kênh ổn định hơn là trái phiếu doanh nghiệp, nên nhu cầu đầu tư tài sản này vẫn ở mức cao.

Dù vậy, SSI Research đánh giá, rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản và năng lượng.

Báo cáo của SSI Research cho biết, trong số các trái phiếu còn lại được phát hành trong nửa đầu năm 2021, có 18,6% được bảo đảm bằng bất động sản, 11% được đảm bảo bằng tài sản, 33% được đảm bảo bằng một phần tài sản, bất động sản và một phần là cổ phiếu, 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản bảo đảm.

Cụ thể hơn, báo cáo nêu rõ, có 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa, bởi khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản bảo đảm (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo ngại về khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro tác động tới kinh tế vĩ mô, trong đó đề cập tới việc doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao thời gian qua, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tại các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc), kênh trái phiếu doanh nghiệp đã chứng kiến dòng vốn ròng tăng trong 11 tháng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm 2018, đạt mức 99,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, so với dòng vốn rút ròng từ cổ phiếu là 2,2 tỷ USD.

Trang Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục