Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng thêm 20 tỷ USD trong năm nay

(ĐTCK) Dòng vốn đầu tư và thương mại nội khối ASEAN trong năm nay được nhận định sẽ dồi dào. Nhờ các yếu tố vĩ mô thuận lợi và nỗ lực phát triển thị trường chứng khoán, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thu hút đầu tư từ các nước láng giềng.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng thêm 20 tỷ USD trong năm nay

ASEAN vượt qua “cơn sốc” địa chính trị toàn cầu

Tại Hội nghị đầu tư Invest ASEAN do Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng tổ chức đầu tuần qua tại Singapore, 800 nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á đã tập trung thảo luận về những rủi ro địa chính trị toàn cầu đến ASEAN. Đây là điểm khác biệt rõ nét so với Hội nghị Invest ASEAN năm ngoái, khi nhà đầu tư và doanh nghiệp hưng phấn với triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam, Singapore và Malaysia đều là thành viên.

Ông John Chong, Giám đốc điều hành Maybank Kim Eng Group cho biết, thế giới đang trải qua nhiều biến động, từ việc chủ nghĩa bảo hộ nổi lên tại Mỹ và châu Âu đến sự thất bại của TPP, kế hoạch tăng lãi suất nhiều lần của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc…

“ASEAN đang phải hứng chịu những đợt sóng lớn đến từ nhiều phía, nhưng chúng tôi tin rằng, khu vực năng động này vẫn sẽ giữ vững tay chèo. Cơ sở cho sự lạc quan này là số lượng người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng trong tổng số 600 triệu dân tại ASEAN, các quốc gia đang tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng và dòng vốn đầu tư nội khối dồi dào”, ông John Chong nói.

Maybank Kim Eng dự báo, khu vực ASEAN-5, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan, sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2017. Trong đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3%, chỉ đứng sau Philippines trong toàn khu vực Đông Nam Á.

Nghiên cứu của Maybank Kim Eng cho thấy, thương mại nội khối ASEAN chiếm 24% tổng kim ngạch thương mại của khu vực này và giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư nội khối tại ASEAN tăng trưởng 11%. Theo ông John Chong, khi các rủi ro từ bên ngoài tăng cao, đây là thời điểm phù hợp để ASEAN tăng cường đầu tư và thương mại giữa các nước trong khu vực.

Giáo sư Kishore Mahbubani, Trưởng khoa Chính sách công tại Trường Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại của ASEAN. Tuy nhiên, giáo sư cho rằng, dù gần nhau về mặt địa lý nhưng các nước ASEAN có nhiều điểm khác biệt về chính trị, văn hóa và mức độ phát triển kinh tế, nên nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ khi rót vốn sang những quốc gia lân cận.

Việt Nam: điểm sáng thu hút đầu tư nội khối

“Việt Nam sẽ là quốc gia được nhà đầu tư trong ASEAN quan tâm đặc biệt nhờ yếu tố vĩ mô ổn định, các ngành tiêu dùng đang phát triển mạnh và độ mở cửa ngày càng cao của thị trường chứng khoán. Trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cổ phần hóa và thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lớn, tạo nguồn cung dồi dào cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông John Chong nhận định.

Maybank Kim Eng dự báo, mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng nhanh từ 80 tỷ USD vào cuối năm 2016 lên mức 100 tỷ USD vào tháng 12/2017. Nhà đầu tư cũng sẽ hào hứng với kế hoạch sáp nhập hai Sở giao dịch, khai trương thị trường chứng khoán phái sinh và ra mắt các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư gián tiếp, các nhà đầu tư ASEAN cũng sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam qua con đường mua bán - sáp nhập (M&A), hoặc đầu tư trực tiếp. Nguồn vốn giá rẻ từ các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ tiếp sức cho dòng vốn này. Trên thực tế, xu hướng này đã bắt đầu diễn ra khi hàng loạt tập đoàn lớn của Thái Lan như Central Group, BJC và Thai Beverage đang ráo riết thực hiện M&A doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tại Thái Lan chững lại.

Liên quan đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ông Marc Woo, Trưởng bộ phận Thương mại điện tử châu Á của Google cho rằng, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các trang web thương mại điện tử và các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) lĩnh vực dịch vụ tài chính trong khu vực ASEAN. Theo ông Woo, sẽ có nhiều thương hiệu mới, tương tự như Zalora, Lazada hay Grab, xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Giống như các quốc gia đang phát triển khác trong ASEAN, doanh thu bán hàng tại Việt Nam qua kênh online chiếm tỷ trọng chưa đến 6% và chỉ khoảng 2% dân số đang sử dụng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, 60% người tiêu dùng có thói quen kiểm tra thông tin trên mạng trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ. Đây là tiềm năng lớn cho các start-up tại ASEAN thâm nhập thị trường Việt Nam”, ông Woo chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và nhà đầu tư có những băn khoăn nhất định như thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nằm trong danh sách thị trường mới nổi của MSCI, hoạt động công bố thông tin của nhiều doanh nghiệp chưa theo chuẩn quốc tế.

Ông Lee Eng Keat, Giám đốc Cục Phát triển kinh tế Singapore cho rằng, cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa được hoàn thiện, dẫn đến nhiều khó khăn cho ngành logistics và thương mại điện tử. Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút dòng vốn tư nhân, kể cả vốn nước ngoài, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

“Hạ tầng là vấn đề cấp bách với các quốc gia đang phát triển tại ASEAN, trong đó có Việt Nam. Để hiện thực hóa những tiềm năng kinh tế của mình, Việt Nam cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng thật tốt”, ông Lee nhấn mạnh.

Nam Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục