Vốn Hàn Quốc chờ sóng đầu tư mới vào Việt Nam

(ĐTCK) Một làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc vào Việt Nam được nhắc đến gần đây đang ngày càng trở thành hiện thực và chờ thời cơ bùng nổ.

Hơn 600 doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó có quá nửa là doanh nghiệp đến từ xứ sở Kim Chi, đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In mới đây. Hàng loạt cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp hai bên và gần đây nhất là sự kiện Hội nghị Tài chính toàn cầu Việt Nam - Hàn Quốc thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham dự.

Trào lưu đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã không còn xa lạ từ nhiều năm trước, với sự đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp lớn như Samsung, LG…, mang theo hàng tỷ USD vốn đầu tư và công nghệ hiện đại, đưa Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm đầu tư lớn nhất trong khu vực và trên thế giới của Hàn Quốc.

“Tiềm năng hợp tác đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc còn rất lớn và sự hợp tác ngày càng phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp chế tạo, hạ tầng và hợp tác công tư, năng lượng tái tạo và môi trường, phân phối và dịch vụ, ICT và phần mềm, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, tài chính - ngân hàng, mua bán - sáp nhập (M&A) và khởi nghiệp (startup).

Với lợi thế tăng trưởng kinh tế cao, chính trị ổn định, chi phí đầu tư cạnh tranh cùng nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của Chính phủ, dự báo dòng vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới”, ông Đỗ Nhất Hoàng Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Theo Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, làn sóng đầu tư từ xứ sở Kim Chi vào Việt Nam tới đây được dự đoán sẽ rất lớn. Vốn từ Hàn Quốc không chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực đầu tư trực tiếp, mà còn lấn sâu vào thị trường tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm thông qua dòng vốn đầu tư gián tiếp và làn sóng M&A vốn đã và đang ngày càng trở nên rõ nét thời gian gần đây trên nhiều lĩnh vực. 

“Điểm hấp dẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm tới cơ hội đầu tư vào Việt Nam chính là môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, nhất khi Việt Nam là thành viên được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đây có thể coi là động lực thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, hợp tác và xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất, tiếp cận thị trường các nước thành viên CPTPP”, ông Lộc nói.

Ông Ted Kim, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và quản trị KIMC đến từ Hàn Quốc dự báo, vốn đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian.

“Ở Hàn Quốc có một danh mục quốc gia đầu tư hàng đầu luôn nằm trong câu nói cửa miệng của các nhà đầu tư, đó là VIP (gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines), trong đó Việt Nam luôn đứng đầu trong danh sách này”, ông Ted Kim cho biết.

Lý do chính đó là hội nhập toàn cầu của Việt Nam ngày càng sâu rộng, dòng vốn đầu tư sẽ trộn lẫn nhau và các nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhìn thấy những cơ hội rất lớn từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã bắt đầu thực thi, Hiệp định CPTPP mới ký kết có vai trò và tiềm năng rất lớn của Việt Nam, tương lai có nhiều lợi ích từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang đàm phán và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sớm có hiệu lực...

Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp và các cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính, cơ hội mua bán các khoản nợ từ tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam đang đặc biệt hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư của Hàn Quốc.

“Chúng tôi rất ấn tượng với hệ sinh thái khởi nghiệp và tiềm năng từ các ý tưởng sáng tạo của các doanh nghiệp start up Việt Nam. Hiện KIMC đang tiếp cận với một số dự án khởi nghiệp được giới thiệu từ các doanh nghiệp và Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia. Khi giới thiệu những dự án này, các quỹ đầu tư tài chính, các nhà đầu tư của Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm rất lớn.

Liên quan đến lĩnh vực mua bán nợ, các khoản nợ mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua cùng nhiều doanh nghiệp nhà nước đang tái cơ cấu cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Chúng tôi mong các quy định pháp lý trong lĩnh vực này sớm hoàn thiện sự minh bạch se giúp chúng tôi tiếp cận đầu tư dễ dàng hơn”, ông Ted Kim nói.

Hiện nay, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam (trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam), với 6.701 dự án, tổng vốn đầu tư trị giá 58,8 tỷ USD. Trong đó, các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo chiếm 3.770 dự án, trị giá 42,6 tỷ USD; hoạt động kinh doanh bất động sản có 122 dự án, trị giá 8 tỷ USD. Bắc Ninh là địa phương thu hút dòng vốn FDI lớn nhất từ Hàn Quốc, với 750 dự án.

Ngoài ra, Hàn Quốc là đối tác ODA lớn thứ hai tại Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 64 tỷ USD, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục