Hôm 26/5, Panasonic đã chính thức khai trương phòng trưng bày mới tại Trung tâm Panasonic Risupia Việt Nam. Phòng trưng bày này chính là nơi Panasonic giới thiệu trực quan sống động đến khách hàng về những công nghệ mới nhất của Công ty.
Thực ra, đây chính là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu 10 năm hoạt động của Panasonic tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, với chiến lược đưa Việt Nam trở thành một điểm đến trọng điểm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Panasonic đã không ngừng mở rộng các nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 243 triệu USD và mang lại hơn 7.500 việc làm cho người dân Việt Nam. Hiện tại, ở Việt Nam, Panasonic có 7 thành viên, trong đó có 5 công ty sản xuất.
Giống như Panasonic, nhiều tên tuổi Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là điểm dừng chân, như Honda, Toyota, Kyocera, Canon, Fuji Xerox... Hàng ngàn nhà máy đã được các doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng tại Việt Nam và chính điều này đã đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam. Nhật Bản trong một thời gian dài luôn là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Ngôi vị này chỉ tạm thời bị “soán” sau khi Hàn Quốc liên tục có các dự án quy mô tỷ USD vào Việt Nam.
Lũy kế tính đến tháng 4/2016, Nhật Bản có 3.051 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 39 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn nếu tính trong 4 tháng, mức cam kết của doanh nghiệp Nhật Bản là 563 triệu USD, đứng thứ 4.
Một thực tế khá rõ ràng là, sau thời gian dài doanh nghiệp Nhật Bản liên tiếp chọn Việt Nam là địa điểm sản xuất hàng đầu tại châu Á, thì 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng đầu tư của Nhật Bản đã chậm lại. Nguyên nhân được cho là không phải từ phía Việt Nam, mà từ phía Nhật Bản. Đó là do nhu cầu tái thiết đất nước lớn, nên Chính phủ Nhật đang kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trong nước. Việc giảm giá đồng yên cũng đã gây khó cho doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài, bởi sẽ khiến chi phí vốn tăng vọt. Do vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản đang thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư ra nước ngoài.
Thêm vào đó, điều đáng chú ý là, trong các dự án đầu tư mới từ Nhật Bản, theo khảo sát mà Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố mới đây, tỷ lệ ngành công nghiệp chế tạo giảm 15% so với năm 2014. Ngược lại, tỷ lệ vốn đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ tăng từ 14% năm 2014 lên 17% năm 2015.
Thực trạng trên đã chỉ rõ sự thay đổi trong xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam không chỉ được coi là một địa điểm sản xuất với chi phí nhân công rẻ nữa, mà còn là một thị trường hứa hẹn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng nội địa. “Xu hướng này sẽ còn tăng trong những năm tới, do thị trường Việt Nam tiếp tục là mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội nhận định.
Có thể thấy rõ sự thay đổi của xu hướng đầu tư qua hoạt động của các hãng bán lẻ và các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Hãng bán lẻ lớn nhất Nhật Bản là Aeon sau khi mở 3 trung tâm thương mại và siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, đã xây dựng một trung tâm mới tại TP.HCM.
“Quy mô thị trường và nhu cầu tiêu dùng với tỷ lệ dân số trẻ chiếm phần lớn là yếu tố khuyến khích sự dịch chuyển xu hướng đầu tư mới của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam”, ông Atsusuke nói.
Chưa kể, một xu hướng mới cũng đã xuất hiện, đó là ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đã chiếm khoảng 6% tổng số 1,285 tỷ USD vốn đầu tư mới của Nhật vào Việt Nam trong năm 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cách đây chưa lâu, ông Hirono Mitsutoshi, Phó chủ tịch cấp cao, thành viên Ban Điều hành Fujitsu - đơn vị hợp tác với FPT để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp của Việt Nam chia sẻ, Fujitsu rất vui mừng trước xu hướng này. “Chúng tôi mong muốn góp phần vào phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp”, ông Hirono Mitsutoshi nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đầu tư từ Nhật Bản đang chậm lại, song chỉ mang tính thời điểm. Các khảo sát từ Jetro cho thấy, vẫn có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi muốn đầu tư và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Và một trong những lý do là có nhiều cơ hội to lớn do việc Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà Nhật Bản cũng là một trong 12 thành viên, mang lại.