Vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Bình Dương sẽ tiếp tục gia tăng

Vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này. Đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương được dự báo còn tiếp tục tăng, với nhiều lĩnh vực đầu tư đa dạng hơn.

Vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này. Đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương được dự báo còn tiếp tục tăng, với nhiều lĩnh vực đầu tư đa dạng hơn. Vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này. Đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương được dự báo còn tiếp tục tăng, với nhiều lĩnh vực đầu tư đa dạng hơn.

Ông Phú Hữu Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, tỉnh có 515 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương và tỉnh đã cấp phép cho 25 dự án mới, 14 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư mới và tăng thêm là 134,2 triệu USD.

Tính đến nay, dù chưa có dự án tỷ USD, nhưng các nhà đầu tư đến từ xứ sở kim chi đã có không ít dự án có quy mô vốn hàng trăm triệu USD tại Bình Dương. Chẳng hạn, Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam đầu tư vào dự án sản xuất săm lốp với tổng vốn đầu tư 128,3 triệu USD; Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam đầu tư vào dự án khách sạn, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD…

Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện ngày càng tốt hơn, nên thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư ở những lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích và có lợi thế thu hút đầu tư, như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại dịch vụ...

Phân tích xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Park Jin Ku, Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may sẽ đẩy mạnh đầu tư để đón cơ hội mới khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Cũng theo ông Park Jin Ku, ngoài lĩnh vực dệt may, thì sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ… cũng được doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm, đầu tư tại Bình Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Choi Jae Ho, Giám đốc Công ty TNHH Panko Vina cho biết, Công ty đã đầu tư 2 xưởng may, với khoảng 2.000 lao động tại KCN Mỹ Phước I (thị xã Bến Cát, Bình Dương) từ năm 2003. Đến nay, Công ty đã tăng vốn gấp 4 lần, lên khoảng 50 triệu USD và số lao động đã hơn 8.000 người. “Môi trường đầu tư thuận lợi cùng với những kết quả sản xuất, kinh doanh tốt và TPP sắp được ký kết… là những cơ sở để Công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất trong thời gian tới”, ông Choi Jae Ho cho biết.

Trong khi đó, theo ông Jo Chang Sik, Giám đốc Công ty TNHH Baiksan Việt Nam, từ cuối năm 2007, Công ty được tỉnh Bình Dương cấp phép cho dự án sản xuất da nhân tạo, sản xuất và gia công sản xuất hóa chất dùng làm dung môi trong ngành sản xuất các sản phẩm nhựa và cao su tổng hợp…, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 16 triệu USD tại KCN VSIP II. Với những kết quả sản xuất, kinh doanh thuận lợi và nhất là để đón đầu TPP, Công ty đang có kế hoạch đầu tư dự án trong lĩnh vực dệt vải.

Thực tế, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương đã được nhìn nhận từ việc các dự án mới được cấp phép trong 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, có không ít dự án có quy mô vốn khá lớn đầu tư vào các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ. Đó là, Công ty TNHH NPC Toda đầu tư dự án sản xuất sản phẩm nhựa với vốn đầu tư 30 triệu USD; Công ty TNHH Castec Vina với dự án sản xuất cơ khí phụ tùng xe hơi, phụ tùng điện tử với vốn đầu tư 14,4 triệu USD…

Để đón vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Bình Dương đã tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 9.423 ha, trong đó có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 8.870 ha. Theo quy hoạch đến năm 2020, Bình Dương có 39 khu công nghiệp, với diện tích hơn 15.570 ha.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục