Vốn đầu tư thực của Hoa Kỳ vào Việt Nam có thể tới 15 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoa Kỳ hiện có hơn 1.000 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỷ USD, song con số thực có thể lên tới 14 - 15 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị

Đây là những con số rất đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2020 với chủ đề “ Đối tác tin cậy - Thịnh vượng bền lâu” do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI) tổ chức diễn ra sáng nay 9/10, tại Hà Nội.

Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài

Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, những kết quả mà hai bên đã đạt được là thực sự rất ấn tượng trên chặng đường hợp tác một phần tư thế kỷ kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay.

Trên bình diện hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam, tiêu biểu là các dự án của Cargill, Coca-Cola, Caterpillar, Intel...

Đây chính là những viên gạch quan trọng để gắn kết mối quan hệ về đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó mở đường và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước theo hướng bền vững, phát triển sản phẩm, sản xuất và xây dựng thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, các tổ chức như AmCham, USABC..., cũng như nhiều tập đoàn lớn, các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn để thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông cho biết hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang làm đầu mối và chủ trì Nhóm công tác liên bộ để phối hợp với Tập đoàn Tài chính quốc tế (DFC) của Hoa Kỳ thúc đẩy tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, một trong những nền tảng quan trọng, thiết yếu cho hoạt động của các doanh nghiệp và tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước.

Thông qua Nhóm công tác, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang tích cực làm việc với DFC để lên phương án hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng...

Trong nhiều năm qua, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã có quá trình tái cơ cấu đầu tư và định vị lại chuỗi cung ứng. Gần đây, khi bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, và đặc biệt tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.

Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thông tin tới các đại biểu cũng như cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị, Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, kết quả thu hút FDI trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký trên 21 tỷ USD, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 14 tỷ USD.

Điều này đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 2,62% trong quý III, và 2,12% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này là hết sức ấn tượng trong bối cảnh các nước ASEAN hay các nền kinh tế lớn khác trong khu vực đều tăng trưởng âm.

Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao cũng như thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới, theo ông Đông, Việt Nam đã thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư, như: chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện thể chế và các luật về đầu tư kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) cũng đã được Quốc hội thông qua mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU.

Hai Hiệp định này cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác sẽ đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 nền kinh tế, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tạo thế cạnh tranh hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

"Thông qua Hội nghị này, chúng tôi muốn tăng cường sự kết nối các nhà đầu tư, khuyến khích các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đầu tư, đầu tư mới tại Việt Nam, hợp tác và tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam được tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực có lợi thế phát triển trong điều kiện “bình thường mới” như kinh tế số, giao dịch thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, dược phẩm, thiết bị y tế... Hỗ trợ và đồng hành cùng với Việt Nam xây dựng các trung tâm, cơ sở chuyên biệt để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm tài chính quốc tế…”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Theo Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham, mặc dù thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ không ổn định, nhưng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia sẽ duy trì và ngày càng đi lên.

“Những tiến bộ trong các vấn đề then chốt được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh ngày hôm nay sẽ giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh của khối tư nhân, đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội, thu hút thêm nguồn đầu tư và thúc đẩy sự thịnh vượng tại Việt Nam”, ông Adam Sitkoff cho biết.

Vốn đầu tư của Hoa Kỳ thực tế có thể cao hơn nhiều con số thống kê

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Hoa Kỳ đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ khách sạn và ăn uống (chiếm 46% tổng vốn đầu tư); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 31% tổng vốn đầu tư).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia, trên thực tế, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam còn lớn hơn nhiều, ước tính có thể lên đến 14 - 15 tỷ USD do một số công ty lớn như Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, Chevron, ConocoPhillips,… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại quốc gia, vùng lãnh thổ thứ ba như British Virgin Islands (Anh), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)...

Ngoài ra, một số tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Apple, Google, Dell... đều đầu tư vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng của mình.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Hoa Kỳ hiện thuộc Top 10 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư. Việt Nam có gần 200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 750 triệu USD.

Các dự án tiêu biểu có thể kể đến là đầu tư của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), CTCP Vingroup Investment Việt Nam, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Phần mềm FPT, CTCP Nhựa An Phát Xanh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), CTCP Công nghệ Mobifone Toàn cầu...

Bên cạnh những thành tựu trong hợp tác đầu tư và thương mại, Hoa Kỳ còn là một trong các nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam (sau Nhật Bản và Hàn Quốc). Năm 2005, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp định hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật để tạo khung khổ pháp lý triển khai và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Kể từ đó, các chương trình, dự án ODA của Hoa Kỳ đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục