Vốn đầu tư quốc tế, tìm sự bền vững trong bất ổn

(ĐTCK) Tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ đang là bài toán nan giải với nhiều DN nội địa.
Vốn đầu tư quốc tế, tìm sự bền vững trong bất ổn

Hội thảo “Vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á 2012” được tổ chức bởi Trung tâm Vốn đầu tư tư nhân Thunderbird (TPEC) - trực thuộc Trường Quản lý toàn cầu Thunderbird (Mỹ) vừa qua không chỉ nhận diện xu hướng mới nhất về dòng vốn quốc tế, mà còn là cơ hội để thiết lập và phát triển quan hệ cho các DN với giới đầu tư muốn tìm kiếm đối tác.

Vốn đầu tư quốc tế, tìm sự bền vững trong bất ổn ảnh 1Việt Nam chưa phải là địa chỉ hấp dẫn các khoản đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ cao

Nhiều chuyên gia tham gia hội thảo nhận định, Đông Nam Á là khu vực đang có nhiều triển vọng thu hút dòng vốn quốc tế. Cụ thể, các quốc gia mới nổi như My-an-ma hay Cam-pu-chia được đánh giá trở thành các điểm đến ưa thích. Vì vậy, Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt sau các bất ổn vĩ mô - yếu tố khiến giới đầu tư lo ngại.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital nhận xét, xu hướng dịch chuyển nguồn vốn giữa các quốc gia đang diễn ra. “Khủng khoảng toàn cầu đang tác động đến từng quốc gia. Hiện nay, việc huy động vốn cho những quốc gia riêng biệt là tương đối khó khăn. Sự thay thế là giải pháp huy động vốn cho từng khu vực”, ông Dominic Scriven nói.

Theo ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Charteded, trong khu vực Đông Dương, tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam khiến giới đầu tư kém lạc quan. Tuy nhiên, nhìn về triển vọng dài hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng GDP từ 7 - 10%/năm. Nhưng muốn thu hút vốn quốc tế, Việt Nam không nên quá tự tin với câu chuyện tăng trưởng, mà cần đặt ra các định mức thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có việc truyền tải được thông điệp về khả năng hoạch định chính sách tài chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cần quan tâm đến yếu tố cạnh tranh quốc tế, bằng cách nghiên cứu con đường thu hút vốn quốc tế của các quốc gia láng giềng. Ông Louis Taylor gợi ý, nên tham khảo kinh nghiệm thu hút vốn quốc tế của Trung Quốc, khi họ xây dựng lộ trình bám vào thị trường hàng tiêu dùng nội địa - một thế mạnh của quốc gia đông dân.

Ở phần thảo luận về xu hướng đầu tư, ông Christopher Zobist, Giám đốc SAVVI Investor Forum cho biết, trong lĩnh vực công nghệ, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế sẵn sàng cung cấp vốn cho các DN non trẻ, có ý tưởng kinh doanh xuất sắc, nhưng vừa tự khởi nghiệp thiếu cả vốn và kinh nghiệm quản lý. Các quỹ đầu tư cũng sẵn lòng tiến cử các chuyên viên hay cố vấn có kinh nghiệm để hỗ trợ những DN tiềm năng này.

Tuy nhiên, ông Christopher cũng lưu ý, Việt Nam chưa phải là địa chỉ hấp dẫn cho các khoản đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ cao. Chẳng hạn, thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn còn quá nhỏ để các nhà sản xuất lớn như Apple xây nhà máy, sản xuất các sản phẩm công nghệ như Iphone. Họ chỉ có thể xây dựng nhà máy với mục tiêu nhằm cung ứng sản phẩm ra thế giới. Vì vậy, giá nhân công, trình độ người lao động, hạ tầng công nghệ… là các yếu tố cạnh tranh quan trọng.

Nhận xét về thị trường tiêu dùng Việt Nam với xấp xỉ 90 triệu dân, ông Anirban Lahiri, Giám đốc Bank Invest nêu quan điểm, hàng tiêu dùng Việt Nam là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity), đặc biệt khi xã hội manh nha hình thành tầng lớp trung lưu. Ông Anirban Lahiri dẫn chứng, trước đây người dân không mấy quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, thì nay mức độ nhận biết thương hiệu đã tốt hơn trước rất nhiều - cơ hội để các quỹ đầu tư góp vốn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng để chia sẻ lợi ích từ việc lớn mạnh của các công ty. Giám đốc của Bank Invest cũng nhận xét, ở Việt Nam có khá nhiều công ty nhỏ tăng trưởng nhanh, thích hợp cho các khoản đầu tư mạo hiểm.

Trong khi đó, theo ông Naohisa Fukutani, Giám đốc điều hành GCA Corporation, các lĩnh vực hấp dẫn NĐT Nhật Bản là chế biết thực phẩm, sức khỏe, y tế. Có hai dạng NĐT quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam . Thứ nhất là các NĐT tài chính, hiện nay chưa hoạt động mạnh, khi họ đang phải giải quyết các áp lực ngay tại thị trường nước họ. Thứ hai là các NĐT chiến lược. Thời gian qua, họ hoạt động khá năng động khi đầu tư vào nhiều công ty Việt Nam với quy mô từ 20 - 250 triệu USD. Nhưng ông Fukutani cũng lưu ý, một trong các yêu cầu khắt khe của NĐT chiến lược Nhật Bản khi hợp tác với DN Việt Nam là họ yêu cầu DN nội địa phải được quản lý tốt - gót chân Asin của đa phần công ty nội địa.

Hội thảo cũng đề cập đến các điểm trừ cho môi trường đầu tư ở Việt Nam, đó là: việc dự báo trong dài hạn khá khó khăn, khi các thông điệp chính sách đôi khi không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn; khó định giá DN khi các DN chưa niêm yết đa phần ngại công bố thông tin; chính sách thuế hay thay đổi, ảnh hưởng tới lợi nhuận; sự không dễ dàng khi giới đầu tư muốn rút vốn…

Kinh Kha
Kinh Kha

Tin cùng chuyên mục