Tăng sức hút, đón thêm nhà đầu tư mới
Lần đầu tiên, cùng với việc thay đổi ngày công bố số liệu thống kê, số liệu tổng hợp về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã được tính đúng, tính đủ vào ngày cuối tháng (với tháng 8, kỳ báo cáo là ngày 31/8), thay vì chỉ tính đến ngày 20 hàng tháng như trước. Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tính theo tháng và kể cả là sau này, tính theo năm (trước đây, con số báo cáo năm cũng chỉ được tính đến ngày 20/12 hàng năm), sẽ được phản ánh đúng và đầy đủ hơn.
Và điều đáng mừng, dấu mốc quan trọng này được đánh dấu bằng một con số khá ấn tượng: hơn 20,52 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Một con số ấn tượng khác, đó là vốn giải ngân trong 8 tháng đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, đáng chú ý, vốn đầu tư mới cũng như vốn tăng thêm vẫn tăng khá mạnh. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm 2024, có 2.247 dự án đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, tương ứng tăng 8,5% và tăng 27% so với cùng kỳ. Trong khi đó, với 926 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 4,9% so với cùng kỳ), vốn đăng ký tăng thêm hơn 5,7 tỷ USD (tăng 27% so với cùng kỳ).
Những con số trên một lần nữa cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tiếp tục xu hướng tích cực. Và Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong một báo cáo vừa được công bố, Công ty Tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) đã nhấn mạnh điều này. Theo JLL, trong giai đoạn 2010 - 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam có Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 10%, cao hơn mức trung bình 7,6% của các nước trong khu vực ASEAN.
Nguồn nhân lực có trình độ giáo dục cao, với mức lương trung bình trong ngành chế biến, chế tạo chỉ bằng khoảng 34% so với Trung Quốc, theo JLL, chính là yếu tố khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn và nhờ đó, đã tận dụng hiệu quả chiến lược “Trung Quốc +1” mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để phân tán rủi ro sản xuất và chuỗi cung ứng.
Ngày càng có sức hút, Việt Nam thời gian qua đã không ngừng đón được dòng vốn ngoại và thu hút thêm được các đối tác mới. Có một điểm thú vị trong báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, đó là trong tháng 8/2024, có thêm các dự án mới của các nhà đầu tư mới đến từ Burkina Faso và Tunisia. Thêm hai nhà đầu tư mới này, tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam đã nâng lên con số 149.
Trước đó, cuối năm ngoái, thậm chí là đầu năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài chỉ nhắc đến con số 144. Tức là, chỉ từ đầu năm tới nay, liên tục có thêm các nhà đầu tư nước ngoài vì sức hấp dẫn của Việt Nam mà tìm đến. Hồi tháng 7, có Kyrgyzstan; trước đó, có Trinidad và Tobago…
Các khoản đầu tư này có thể ban đầu chưa lớn, nhưng sự xuất hiện của các tên tuổi mới cũng là một dấu ấn quan trọng.
Nhà máy sản xuất bao bì của Tri-Wall Vina (Nhật Bản). Ảnh: Đức Thanh |
Thêm lượng, nâng cả chất
Thông tin gần đây trên báo chí quốc tế, Tập đoàn Năng lượng Equinor (Na Uy) thông báo hủy kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, đồng thời đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Trước đó, cuối năm 2023, một tập đoàn khác là Orsted (Đan Mạch) cũng quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Không chỉ là lượng, điều được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định, đó là chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng.
Đây là các dự án quy mô lớn và việc các nhà đầu tư dừng triển khai các dự án tại Việt Nam đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải vì Việt Nam đang mất đi sức hấp dẫn? Câu trả lời là không, bởi các quyết định này còn do các vấn đề về thị trường toàn cầu. Thêm nữa, việc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, sau đó rời đi là chuyện hết sức bình thường. Các chuyên gia quốc tế cũng khẳng định điều này.
Sức hút của Việt Nam đã được chứng minh qua con số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam những năm gần đây. Và không chỉ là lượng, điều được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định, đó là chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng.
Trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài một lần nữa nhấn mạnh về việc nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn. Trong số này, đáng chú ý có dự án tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD của Tập đoàn Amkor.
Và không chỉ Amkor, thông tin gần đây cho thấy, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn đang tích cực dốc vốn vào Việt Nam. Meiko Electronic là một ví dụ. Sau 3 nhà máy với vốn đầu tư 500 triệu USD, “ông lớn” Nhật Bản này hồi tháng 4/2024 đã xây một nhà máy mới ở Hòa Bình với vốn đầu tư 200 triệu USD và có kế hoạch nâng vốn lên 500 triệu USD. Như thế, Meiko sẽ nối dài danh sách “nhà đầu tư tỷ USD” tại Việt Nam.
Ngoài các lĩnh vực điện tử, bán dẫn mà Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, thì giờ đây, một lĩnh vực mới được dự báo cũng trở nên “nóng bỏng” ở Việt Nam, đó là xây trung tâm dữ liệu.
Thông tin gần đây cho biết, một trung tâm dữ liệu cỡ siêu lớn có thể được Google đầu tư tại Việt Nam, với mức đầu tư lên tới 300-650 triệu USD. Alibaba cũng đang cân nhắc xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Dù các thông tin này chưa chính thức được xác nhận, song các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong một báo cáo được công bố vào cuối năm ngoái, Savills Việt Nam cho rằng, trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Nếu vậy, sức hấp dẫn là không nhỏ. Và rõ ràng, nếu cả Google và Alibaba đều đầu tư xây trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, thì đó tiếp tục là một động thái cho thấy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang ngày càng được nâng cao về chất.