Khối ngoại vẫn lấn át
Năm 2012, thị trường M&A Việt Nam khép lại với con số ấn tượng: 4,95 tỷ USD, 157 thương vụ và hàng loạt thương vụ “khủng” của khối ngoại.
Phần lớn các thương vụ M&A trị giá 7 con số tại Việt Nam trong năm 2012 đều mang dấu ấn của khối ngoại, từ thương vụ Bank of Tokyo - Mitshubishi (BTMU) mua 20% cổ phần VietinBank trị giá 743 triệu USD đến 3 thương vụ của Tập đoàn Conoco Phillips (Pháp) thoái đầu tư khỏi 2 khu dàn khoan dầu khí và Dự án Đường ống Nam Côn Sơn cho Tập đoàn Parenco (Pháp), với tổng giá trị gần 1,3 tỷ USD.
Ngoài ra, còn phải kể đến thương vụ Sumimoto Life Insurance trả Ngân hàng HSBC 430 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt; Tập đoàn Siam Cement Group mua 85% cổ phần của Prime với giá 240 triệu USD; Semen Gresik mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD…
Một trong những đối tác lớn nhất của thị trường M&A 2012 là các nhà đầu tư Nhật Bản. Với 14 thương vụ có tổng giá trị hơn 1,17 tỷ USD, đây là những nhà đầu tư “hào phóng” nhất trong đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Khối ASEAN cũng là đối tác lớn của thị trường M&A Việt Nam năm 2012, với tổng giá trị 643,4 triệu USD gồm 15 thương vụ. Trong khi đó, năm 2011, khối ASEAN chỉ đầu tư 153 triệu USD vào 7 thương vụ tại Việt Nam.
Trong quý I/2013, thị trường M&A đạt hơn 675 triệu USD và vẫn ghi nhận sự lấn lướt của khối ngoại. Trong 14 thương vụ M&A diễn ra trong thời gian này, có tới 10 thương vụ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Những tưởng, thị trường M&A là cuộc “độc diễn” của những ông lớn khối ngoại thâu tóm doanh nghiệp Việt, nhưng những ngày đầu tháng 6/2013, cả thị trường xôn xao với thương vụ “khủng”, mà cả bên mua và bên bán đều là doanh nghiệp nội. Đó là thương vụ Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng Tổ hợp Trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A TP.HCM cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD).
Với sự xuất hiện của thương vụ trên, giới chuyên gia cho rằng, rất có thể, thị trường M&A sẽ có cuộc đảo chiều đầy thú vị trong thời gian tới.
Lĩnh vực nào sẽ “xưng hùng”?
Công ty Dữ liệu và Truyền thông tài chính StoxPlus cho rằng, thị trường M&A Việt Nam năm 2013-2014 vẫn tiếp tục sôi động bởi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang đầu tư gián tiếp qua M&A. Thương vụ lớn trong các ngành chủ chốt của Việt Nam như ngân hàng, tiêu dùng… sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để có thể diễn ra, do những quan ngại về suy thoái kinh tế và rủi ro chính sách. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có những lợi thế đặc thù về sản phẩm, thị trường và thương hiệu sẽ là những đối tác hấp dẫn mà phía nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư và hợp tác.
Trước đó, năm 2012, trái với dự đoán của giới chuyên gia rằng, khối ngoại nhắm tới ngân hàng và bất động sản, thì xây dựng và vật liệu xây dựng mới chính là ngành được các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh M&A, với tổng số 11 thương vụ, trị giá 587,2 triệu USD.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám StoxPlus cho rằng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống, xi măng, ngân hàng và tài chính tiêu dùng sẽ là những ngành được chú ý nhiều trong năm nay.
“Cơ sở dữ liệu của chúng tôi cho thấy, riêng ngành thực phẩm và đồ uống hiện ghi nhận 10 thương vụ M&A đang trong quá trình thương thảo và đàm phán. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản sẽ tiếp tục công bố các thương vụ trong thời gian tới”, ông Thuân cho hay.
Còn ông Robert Trần, CEO khu vực châu Á và Mỹ của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robeny (Canada) nhận định, sau ngành hàng tiêu dùng, thì dược phẩm, thức ăn chăn nuôi và giáo dục sẽ là những ngành kế tiếp cho các thương vụ M&A trong những năm tới.
“Hiện mỗi ngày, tôi đều nhận được yêu cầu từ những công ty nhỏ và vừa của Mỹ, Canada có nhu cầu tìm những nhà máy dược phẩm để đặt hàng gia công bán ngay tại thị trường Việt Nam và khu vực ASEAN”, ông Robert Trần cho biết.
Theo đánh giá của ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành VianCapital, thị trường Việt