Cần giám sát dòng chảy vốn
Nhìn nhận về diễn biến tăng điểm của thị trường chứng khoán thời gian qua, khi trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: “Có những dấu hiệu cho thấy, giá bất động sản tăng bất thường ở một số nơi dưới tác động của đầu cơ; đầu cơ cục bộ cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán. Đây là những chỉ báo gây lo ngại và cần được giám sát chặt chẽ”.
Cảnh báo trên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được đưa ra trong bối cảnh tín dụng đang được thúc đẩy tăng trưởng theo định hướng điều hành để đạt khoảng 21% trong năm nay, trong khi tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 28/9 là 11,8% so với cuối năm 2016.
Theo ông Thanh, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu với nhiều chính sách mới đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3%, nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chưa căn bản và triệt để.
Có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng cao sẽ dễ ảnh hưởng tới lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế, mà phát sinh rủi ro khi dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, bất động sản.
Theo tính toán của đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 21 - 22%, trong quý IV này, phải giải ngân khoảng 468.000 tỷ đồng.
Việc tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là cần thiết. “Tuy nhiên, do các doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ, hoạt động trong những lĩnh vực chưa phải là các ngành mũi nhọn, trọng điểm của đất nước để hòa vào hoạt động sản xuất lớn của quốc gia, nên khối doanh nghiệp này khó có khả năng hấp thụ lượng vốn lớn như trên trong thời gian ngắn, từ đó dẫn tới nguy cơ dòng vốn sẽ chảy mạnh vào thị trường chứng khoán. Theo tôi, cần kiểm soát chặt để tránh rủi ro cho nền kinh tế”, ông Quốc nói.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, không chỉ dòng vốn trong nước có khả năng đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, mà việc Chính phủ tích cực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Năm 2017, ước vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 3 tỷ USD.
Để tránh rủi ro rút vốn lớn khi dòng vốn trong và ngoài nước chảy mạnh vào thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến thị trường chứng khoán để kiểm soát, điều chỉnh kịp thời, tránh xảy ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Hàng nhiều, khó có chuyện cổ phiếu tăng ảo
Trong khi đó, ý kiến từ những người trong cuộc đang hàng ngày “tác chiến” trên thị trường cho thấy, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán đang ở trạng thái tích cực cân bằng, chưa có những chỉ báo dẫn đến nguy cơ tiền đổ vào nhiều khiến giá cổ phiếu tăng “ảo”.
“Tuy định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay là 21%, nhưng ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được từ một số ngân hàng cho thấy, nếu dư địa cho nâng chất tăng trưởng tín dụng không tốt, nhà băng sẽ không tận dụng hết "room" cho phép.
Do đó, khả năng bơm vốn ồ ạt ra nền kinh tế là khó diễn ra, nhất là trong bối cảnh việc xử lý nợ xấu với nhiều ngân hàng chưa có nhiều tiến triển rõ nét. Quan ngại về dòng vốn nóng chảy vào thị trường chứng khoán lúc này là còn sớm”, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An Phát (APG) nhìn nhận.
Phân tích thêm, ông Hà cho biết, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán hiện tại chỉ tập trung vào đà tăng giá của một số mã chứng khoán có mức vốn hóa lớn, chưa có sự tăng giá trên diện rộng ở nhiều cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa, dư địa cho dòng tiền chảy vào thị trường, nhất là các mã cổ phiếu tốt còn lớn, khó dẫn đến rủi ro thừa tiền, thiếu hàng khiến giá cổ phiếu tăng “ảo”.
Trong khi đó, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) phân tích, có 2 yếu tố quan trọng khiến dòng tiền vào thị trường sẽ tiếp tục diễn biến tích cực, nhưng không vì thế mà tạo ra nguy cơ khiến giá cổ phiếu tăng “ảo”.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô duy trì diễn biến tích cực, khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá và mặt bằng lãi suất ổn định. Kết quả kinh doanh quý III/2017 của nhiều doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt, hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Thứ hai, bối cảnh thị trường hiện nay khác 5 - 7 năm trước rất nhiều. Trước đây, hàng ít, tiền nhiều nên dẫn đến giá cổ phiếu tăng “ảo”. Tuy nhiên, hiện độ rộng của thị trường đã được cải thiện rõ nét, nhất là khi thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn như: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN) và tới đây là Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Công ty cổ phần Vincom Retail…
Đó là chưa kể, không ít doanh nghiệp lớn khác đang chuẩn bị chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), cũng như hơn 700 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa đang được thúc đẩy lên sàn. Nguồn hàng hóa đa dạng này đang cần một lượng vốn lớn để hấp thụ. Do đó, dòng tiền vào thị trường hiện tại chưa “nóng”. Với sức cầu còn lép vế so với nguồn cung lớn, khó có nguy cơ giá cổ phiếu tăng “ảo”.
Liên quan đến cảnh báo rủi ro sẽ xuất hiện khi dòng vốn ngoại chảy vào mạnh, sau đó tìm cách rút sớm khi bối cảnh thế giới biến động, ý kiến từ thị trường cho thấy, tình trạng này chưa đáng ngại, bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán hiện tại đang có thêm những yếu tố thuận lợi để thu hút thêm dòng vốn ngoại. Mặt khác, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn nhỏ, nên ngay cả khi khối ngoại rút vốn, nếu có tác động thì thiên về yếu tố tâm lý thị trường.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến hết tháng 9/2017, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu Việt Nam ước đạt 19,2%, trong khi trên thị trường trái phiếu chỉ ước đạt 5,3%.