Ngoài ra, là một trong những đơn vị dẫn dắt thị trường, VietinBank cũng mong muốn góp phần nâng cao năng lực quản trị và an toàn trong hệ thống ngân hàng”. Đó là thông điệp của VietinBank được ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT chia sẻ với ĐTCK.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được định hướng thực hiện nguyên tắc quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Xin cho biết đánh giá của ông về thực tế triển khai Basel II trong toàn hệ thống?
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành ngân hàng nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức kể từ sau khi gia nhập WTO và đang trong quá trình đàm phán để tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc chuẩn hóa công tác quản trị rủi ro của các NHTM, hướng tới thực hành theo thông lệ quốc tế ngày càng trở nên cấp thiết.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chủ trương và đưa ra lộ trình thực hiện tuân thủ Basel II đối với các NHTM. Cụ thể, trước mắt là đối với 10 ngân hàng được lựa chọn đến cuối năm 2015 sẽ đáp ứng theo phương pháp tiêu chuẩn (Standardized Approach-SA), đến cuối năm 2018 sẽ đáp ứng phương pháp nội bộ cơ bản (Foundation Internal Rating-Based Approach- FIRB).
Tôi cho rằng, đây là định hướng hết sức tích cực nhằm chuẩn hóa các nguyên tắc quản trị rủi ro của ngành ngân hàng hướng tới thông lệ quốc tế. Thực tế hiện nay, một số NHTM Việt Nam cũng đã chủ động nghiên cứu và dần dần áp dụng các quy định của Ủy ban Basel vào công tác quản trị rủi ro, góp phần lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn và xây dựng niềm tin của người gửi tiền, nhà đầu tư cũng như đối tác quốc tế về năng lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
VietinBank là một trong những ngân hàng rất quyết liệt trong việc triển khai Basel II. Điều này là do Ngân hàng phải chứng tỏ sự gương mẫu của một trong những đơn vị dẫn dắt thị trường hay là bởi nhu cầu tự thân, thưa ông?
VietinBank là một trong những ngân hàng tiên phong tại Việt Nam chủ động triển khai Basel II. Ngay từ những năm 2007 - 2009, Ban lãnh đạo VietinBank đã có chủ trương giao một nhóm cán bộ được đào tạo bài bản từ nước ngoài tập trung nghiên cứu để từng bước ứng dụng Hiệp ước vốn Basel II. Bước đầu, chúng tôi tập trung xem xét ứng dụng về phương pháp luận trong công tác đánh giá xếp hạng tín dụng nội bộ do trong hoạt động ngân hàng thì rủi ro lớn nhất là rủi ro tín dụng (RRTD) và áp dụng Basel II, phức tạp nhất cũng là RRTD. Đến đầu năm 2012, trên cơ sở hỗ trợ của tư vấn nước ngoài, chúng tôi đã xây dựng hệ thống quản lý RRTD theo chuẩn Basel II và cuối năm 2013 đến giữa năm 2014, VietinBank đã xây dựng lộ trình triển khai Basel II từ nay đến năm 2018.
Về điều bạn hỏi, tôi nghĩ nó bao hàm cả hai yếu tố. Trước hết, những bước đi chủ động, có sự chuẩn bị rất kỹ như vậy chủ yếu xuất phát từ nhu cầu quản trị nội bộ của Ngân hàng. Từ đó, tạo cơ sở hướng tới những phân khúc khách hàng, nhà đầu tư mới, khó tính hơn trong yêu cầu về năng lực quản trị rủi ro của đối tác và quan trọng hơn. Đó là định hướng phát triển dài hạn của VietinBank.
Ngoài ra, xuất phát từ quan điểm là một trong những đơn vị dẫn dắt thị trường, VietinBank cũng mong muốn góp phần nâng cao năng lực quản trị và an toàn trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi cũng đã tích cực tham gia góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình khi triển khai Basel II với cơ quan quản lý là NHNN.
Một lợi thế của VietinBank trong quá trình triển khai Basel II là sự hỗ trợ tích cực của hai đối tác chiến lược IFC và BTMU
Là 1 trong 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thực hiện Basel II theo lộ trình phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2015 và phương pháp nâng cao vào cuối năm 2018, theo ông, điều này mang lại lợi thế gì cho VietinBank?
Triển khai Basel II là một quá trình đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi và khả năng ứng dụng các thông lệ quốc tế. Do đó, bất kỳ ngân hàng nào thực hiện cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đây là các thách thức về vốn, kinh nghiệm, cơ cấu tổ chức, chất lượng nhân sự, cơ sở dữ liệu và hệ thống CNTT… VietinBank cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị trong thời gian dài như đã nói ở trên, giờ đây chúng tôi đã có tương đối đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai Basel II. Điều này không đến từ bất kỳ lợi thế sẵn có nào mà từ nỗ lực của bản thân VietinBank trong suốt thời gian qua.
Là 1 trong 10 ngân hàng được NHNN chỉ định triển khai Basel II, trước hết VietinBank nhận thấy đây là vinh dự, được cơ quan quản lý tin tưởng giao nhiệm vụ, tuy nhiên đó cũng là thách thức và trách nhiệm. 10 ngân hàng được chỉ định triển khai có thành công hay không sẽ ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện chung về Basel II của toàn ngành. Lợi thế mang lại ở đây chính là sự đánh giá của bạn bè quốc tế, cổ đông chiến lược, nhà đầu tư trong và ngoài nước về năng lực của VietinBank không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn trong công tác quản trị rủi ro.
Ông có thể "điểm danh" những khó khăn khi triển khai Basel II và để vượt qua, Ngân hàng có kế hoạch cụ thể ra sao?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, triển khai Basel II là một quá trình đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống. Mỗi ngân hàng sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi đơn vị.
Đối với VietinBank, trước hết đó là thiếu kinh nghiệm triển khai trong nước. Cho đến nay, chưa có ngân hàng nào ở Việt Nam chính thức hoàn thành triển khai Basel II, do đó VietinBank sẽ phải vừa tìm hiểu vừa thực hiện. Tất nhiên, khó khăn này của chúng tôi sẽ là lợi thế cho các ngân hàng triển khai sau này. Hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy quá trình triển khai toàn ngành.
Thứ hai là khó khăn về dữ liệu. Một trong những yếu tố cơ bản để có thể thực hiện thành công Basel II là cần phải có cơ sở dữ liệu phù hợp và đầy đủ. Từ trước đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu của các NHTM Việt Nam nói chung được lưu trữ và chuẩn bị theo các yêu cầu quản lý hiện có. Trong khi đó, yêu cầu để triển khai Basel II đòi hỏi cần có cơ sở dữ liệu chi tiết hơn và theo các khía cạnh cụ thể. Do đó, trước khi triển khai Basel II thì các ngân hàng cần phải chuẩn bị cơ sở dữ liệu trước. Nhận thức được vấn đề này, VietinBank đã chủ động tìm hiểu, xây dựng cơ sở dữ liệu với định hướng phù hợp với nhu cầu quản trị trong thời gian tới, trong đó có nhu cầu quản lý rủi ro theo chuẩn mực Basel II và các thông lệ quốc tế khác.
Thứ ba đó là câu chuyện về nhân sự. Nhân sự chất lượng cao vừa có kiến thức sâu rộng về quản trị rủi ro, có kinh nghiệm triển khai Basel ở các nước khác, lại vừa am hiểu thực tiễn kinh doanh tại các NHTM Việt Nam hiện nay rất thiếu. Tuy nhiên, nhờ định hướng chiến lược phát triển hoạt động ngân hàng dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, với những chính sách phù hợp, từ nhiều năm gần đây, VietinBank đã thu hút, tập trung được một đội ngũ nhân viên tốt, đủ khả năng để triển khai dự án dài hơi này.
Áp dụng một chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế hẳn là khá tốn kém. Ông có thể bật mí chi phí mà VietinBank dự tính phải trả cho việc thực hiện Basel II?
Chi phí triển khai Basel II tùy thuộc vào phạm vi, quy mô hoạt động, năng lực quản trị và nền tảng sẵn có của mỗi ngân hàng. Ngoài ra, Basel II cũng có nhiều tiêu chuẩn với các yêu cầu về độ khó khác nhau. Việc đáp ứng mỗi một mức độ sẽ có chí phí tương ứng. Tuy nhiên, phải hiểu ở đây là không phải cứ đáp ứng các yêu cầu khó là tốt vì thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng hàng đầu trên thế giới cũng chỉ quản lý theo các phương pháp đơn giản mà hiệu quả do đặc thù của môi trường kinh doanh của từng nước.
Triển khai Basel II là một “hành trình” dài hơi bao gồm rất nhiều dự án có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc tính toán ra chi phí của từng dự án chỉ là con số, quan trọng hơn là cần đảm bảo tiến độ thực hiện để các dự án không làm chậm tiến độ của nhau vì khi đó chi phí thực tế sẽ phát sinh lớn hơn rất nhiều. Mỗi một dự án triển khai cũng lại tùy thuộc vào từng mảng nghiệp vụ mà ngân hàng có năng lực tự phát triển hay cần sự hỗ trợ thuê tư vấn. Hơn nữa, đôi khi cũng rất khó tách bạch chi phí triển khai Basel II với chi phí nhằm nâng cao năng lực quản trị ngân hàng.
Một trong các lợi thế của VietinBank trong quá trình này là sự hỗ trợ hết sức tích cực của hai đối tác chiến lược IFC và BTMU. Đây là các định chế tài chính hàng đầu trên thế giới và đã có kinh nghiệm triển khai Basel II tại rất nhiều quốc gia. Do đó, với những dự án mà VietinBank cần sự hỗ trợ kỹ thuật thì các đối tác này sẵn sàng cử chuyên gia trực tiếp tư vấn và giúp đỡ. Với những yếu tố kể trên, tôi cho rằng, chi phí triển khai Basel II tại VietinBank sẽ không quá tốn kém mà vẫn đạt được hiệu quả cao.
Là một trong những đơn vị tiên phong, việc triển khai II tại VietinBank có thể nói là vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong quá trình này, VietinBank có những kiến nghị gì về lộ trình và phương pháp triển khai?
Hiệp ước Basel II quy định một số nguyên tắc cơ bản về quản trị rủi ro, giám sát mức độ an toàn vốn, đồng thời cũng nêu rõ việc triển khai cụ thể sẽ cần có những tùy chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của từng quốc gia. Các tùy chỉnh do cơ quan quản lý nhà nước ban hành đó là cơ sở pháp lý quan trọng để các TCTD căn cứ thực hiện.
Hiện nay, NHNN Việt Nam mới đưa ra lộ trình thực hiện dự kiến, sắp tới sẽ ban hành một số hướng dẫn cụ thể để triển khai Basel II. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên chúng tôi chưa nắm được sự tương thích giữa chuẩn mực chung của quốc tế về Basel II và chuẩn mực mà NHNN sẽ áp dụng. Đây là điều mà VietinBank cũng như các NHTM khác quan tâm nhất hiện nay. Các NHTM mong muốn được hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách thức và phương pháp triển khai sao cho vừa có thể áp dụng được ở Việt Nam mà vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, Vietinbank cũng cần thực hiện một số cam kết về chuẩn mực quản lý rủi ro từ đối tác nước ngoài. Do đó, chúng tôi mong muốn khi được NHNN đánh giá là đã tuân thủ Basel II thì đánh giá này cũng được các đối tác quốc tế công nhận theo chuẩn mực thế giới.