Với vai trò là nhà cung cấp toàn cầu quan trọng, việc tách rời Trung Quốc là không thể với doanh nghiệp châu Âu

(ĐTCK) Theo báo cáo thương mại của công ty bảo hiểm quốc tế Allianz Trade, Trung Quốc vẫn là “nhà cung cấp quan trọng” cho thế giới và nỗ lực tách rời hoàn toàn vẫn “khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”.

Bất chấp những thảo luận về việc tách rời và giảm rủi ro khỏi Trung Quốc, các công ty châu Âu vẫn lạc quan về triển vọng tại nước này - với gần 40% công ty ở Đức và Tây Ban Nha và hơn 30% công ty ở Pháp kỳ vọng sự gia tăng chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc sẽ tăng lên, trong khi chỉ có 27% công ty được khảo sát ở Mỹ có kế hoạch mở rộng ở Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: “Các công ty châu Âu rõ ràng là ít lo lắng hơn các công ty Mỹ”.

Cuộc khảo sát của Allianz Trade đã thăm dò ý kiến của hơn 3.000 công ty ở Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ về triển vọng thương mại toàn cầu của họ vào năm 2024.

Cuộc khảo sát thương mại cho thấy hơn 1/3 số công ty tham gia khảo sát có kế hoạch tăng tham gia tại Trung Quốc, trong khi chỉ 11% cho biết họ sẽ giảm.

Báo cáo cho biết: “Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp quan trọng của thế giới, việc tách rời hoàn toàn có vẻ là khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”.

Trong khi đó tại Trung Quốc, các công ty ngày càng lạc quan hơn về việc xuất khẩu sang các nước khác.

Hơn 10% nhà xuất khẩu ở Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai sang Mỹ sau Mexico - dự kiến ​​xuất khẩu sẽ tăng hơn 10%. Báo cáo cho thấy con số này cao hơn so với các quốc gia khác vốn dự kiến xuất khẩu tăng từ 2 - 5%.

Francoise Huang, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại Allianz Trade cho biết: “Các nhà xuất khẩu Trung Quốc lạc quan hơn các quốc gia khác trong cuộc khảo sát… Năm ngoái là một năm tồi tệ đối với xuất khẩu nói chung, chúng ta đã chứng kiến suy thoái thương mại toàn cầu. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi cho rằng những người tham gia trong cuộc khảo sát của chúng tôi đặc biệt lạc quan”.

Đa dạng hóa là tất yếu

Mặc dù các công ty có thể không tách rời hoàn toàn chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, nhưng việc đa dạng hóa vẫn cần được cân nhắc.

“Các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang nhìn vào phần còn lại của châu Á - Thái Bình Dương, tập trung chủ yếu vào ASEAN”, chuyên gia kinh tế Francoise Huang cho biết.

Báo cáo cho thấy các nhà xuất khẩu có thể lạc quan hơn vào năm 2024 nhưng cũng trở nên lo ngại hơn về bối cảnh địa chính trị, cũng như những rủi ro liên quan đến tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, lao động và tài chính.

Ngoài ra, khoảng 73% công ty tham gia khảo sát cho biết rủi ro liên quan đến chính trị và chủ nghĩa bảo hộ là mối quan tâm hàng đầu. Báo cáo cho biết, các nhà xuất khẩu vẫn lo lắng về sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, với “31% số người khảo sát xem rủi ro vận tải là một trong ba rủi ro hàng đầu và 28% bao gồm rủi ro thiếu nguyên liệu đầu vào”.

Khoảng 48% các nhà xuất khẩu của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc cho biết họ sẽ xem xét các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Báo cáo cho biết: “Việc tái định cư trong cùng một khu vực và chuyển về gần thị trường sở tại dường như là xu hướng được ưa chuộng”, đồng thời chỉ 5% số người tham gia khảo sát cho rằng xu hướng này sẽ đảo ngược trong hai năm tới, trong khi gần 30% cho rằng xu hướng này sẽ tăng lên.

Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục là rủi ro địa chính trị lớn nhất mà các công ty dự đoán sẽ cản trở chuỗi cung ứng, trong khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với các công ty có chuỗi cung ứng rộng và hơn 50% sản xuất ở nước ngoài.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục