Vội vã áp Thông tư 02 sẽ bất lợi?

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho rằng, một khi đầu ra của nợ xấu được thông thì vấn đề nợ xấu sẽ bớt ám ảnh tín dụng trong năm sau.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn Ông Võ Tấn Hoàng Văn

Có ý kiến cho rằng, các ngân hàng đang chạy đua bán nợ xấu cho VAMC không ngoài mục đích làm sạch bảng cân đối kế toán trước thời điểm Thông tư 02 có hiệu lực từ đầu tháng 6/2014. Quan điểm của ông ra sao?

Tôi cho rằng, nếu các ngân hàng giải quyết được nợ xấu trước khi Thông tư 02 chính thức được áp dụng sẽ có nhiều thuận lợi, vì chuẩn mực phân loại nợ xấu mới khắt khe hơn.

Tuy nhiên, việc ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC hiện nay chưa hẳn vì chạy đua với Thông tư 02, mà quan trọng là họ nhận thấy được công cụ hữu hiệu của VAMC, giúp ngân hàng giải quyết và kéo tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn.

 

Theo ông, nếu Thông tư 02 được áp dụng từ tháng 6 năm sau, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn gì?

Nếu Thông tư 02 vẫn được áp dụng như dự kiến, các ngân hàng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Vì các ngân hàng vừa mới xử lý được nợ xấu thông qua công cụ VAMC, nếu áp dụng luôn Thông tư 02 thì nợ xấu lại gia tăng trở lại.

Tôi cho rằng, thông tư này cần hoãn thêm một thời gian nữa. Bởi so với trước, cách giám sát các ngân hàng thương mại của NHNN hiện nay rất sát sao. Dựa trên yếu tố định lượng, cơ quan giám sát của NHNN nắm rõ sức khỏe của từng ngân hàng, đánh giá được tình hình nợ xấu của từng đơn vị. Vì vậy, nếu sớm áp dụng Thông tư 02 sẽ đánh đồng tất cả cố gắng xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Mặt khác, các quy định của Thông tư 02 yêu cầu rất cao về chất lượng tín dụng, sẽ ảnh hưởng gián tiếp, làm cho tín dụng không thể tăng trưởng, trong khi trước điều kinh tế khó khăn hiện nay, Chính phủ đang phải nỗ lực kích cầu tín dụng.

Các quy định của Thông tư 02 đúng là sẽ đáp ứng được chuẩn mực quốc tế về chất lượng tín dụng, nhưng cũng sẽ “siết” các ngân hàng trong việc mở rộng cho vay.

Nhưng nếu không sớm áp dụng Thông tư 02, tình trạng nợ xấu gia tăng có thể sẽ lặp lại, thưa ông?

Chưa hẳn cứ sớm áp dụng Thông tư 02 thì mới hạn chế được nợ xấu. Điều quan trọng là cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN nắm được tình hình nợ xấu và sức khỏe của các ngân hàng để kiểm soát tình hình nợ xấu của ngành. Bởi thực tế hiện nay, bản thân các ngân hàng luôn thận trọng trong việc kiểm soát chất lượng khoản vay để hạn chế tối đa nợ xấu.

Thực tế, để giúp ngân hàng tái cơ cấu nợ và hỗ trợ vốn cho khách hàng, NHNN đã ban hành Quyết định 780 giúp tái cơ cấu nợ hay Văn bản 7558 cho phép các ngân hàng được cho DN có nợ xấu nhưng có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi được vay vốn, nhưng các ngân hàng vẫn không dám cho DN có nợ xấu vay vốn vì e ngại rủi ro.

Vội vã áp Thông tư 02 sẽ bất lợi? ảnh 1

Từ tháng 10/2013 tới nay, SCB đã bán cho VAMC tổng cộng 5.000 tỷ đồng nợ xấu

 

Ông đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu và tăng trưởng tín dụng năm sau?

VAMC đi vào hoạt động chưa được bao lâu, nhưng đã xử lý được lượng lớn nợ xấu của các ngân hàng. Sau khi mua nợ xấu từ các ngân hàng, VAMC sẽ cùng ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, thậm chí có cả kế hoạch bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một khi đầu ra của nợ xấu được thông thì “bóng ma” nợ xấu sẽ không còn ám ảnh nhiều đối với tăng trưởng tín dụng trong năm sau. Tuy nhiên, vấn đề lớn được đặt ra là nền kinh tế có hấp thu vốn tốt trong năm sau hay chưa? Nếu tình hình kinh tế năm 2014 chưa có nhiều chuyển biến tích cực, sức khỏe DN chưa được cải thiện nhiều thì tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực…

Vậy việc xử lý nợ xấu tại SCB đã được tiến hành ra sao, thưa ông?

Trong tháng 10/2013, SCB đã tiến hành bán 1.100 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới ngưỡng an toàn 3%, sau đó, chúng tôi tiếp tục rà soát các khoản nợ để bán cho VAMC tổng cộng 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đã được đưa về dưới mức 3% như kỳ vọng.

 

Mặc dù đã được bán, nhưng liệu SCB có xử lý được số nợ xấu này, thưa ông?

Thực tế, trong quá trình tìm hiểu để đi đến quyết định mua – bán nợ, VAMC làm việc rất kỹ và yếu tố quan trọng là các khoản nợ xấu phải có tài sản đảm bảo tốt mới dễ dàng được VAMC chấp nhận mua. Sở dĩ, chỉ trong một thời gian ngắn, SCB đã bán được một khối lượng nợ xấu không nhỏ là do các khoản nợ xấu của SCB có tài sản đảm bảo tốt. Hiện Ngân hàng tái cơ cấu một phần nhỏ nợ, phần lớn còn lại xử lý tài sản đảm bảo.

Để xử lý nợ xấu, hiện SCB đưa ra nhiều giải pháp như: tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho khách hàng lên tới 50 - 60% và thậm chí có một số khoản nợ ngân hàng sẵn sàng chỉ thu lại gốc. Mặt khác, khi bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, SCB sẽ trích lập 1.000 tỷ đồng cho trái phiếu đặc biệt. Nếu sau thời gian 5 năm các khoản nợ xấu chưa được xử lý hết, chúng tôi vẫn còn khoản dự phòng trên, nhưng lại có một lượng lớn tài sản.

Trước mắt, nợ xấu SCB đã được đưa về dưới 3% sẽ giúp cho SCB có điều kiện tốt hơn trong quá trình tái cơ cấu và kiến nghị được mở thêm một số chức năng trong hoạt động kinh doanh mà trước đây Ngân hàng chưa có; đồng thời, sắp xếp lại bộ máy, mạng lưới và đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới… tạo nguồn thu, nhằm tăng sức mạnh cho việc tái cơ cấu.

>>Lo ngại thời điểm áp dụng Thông tư 02

>>Lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02?

>>Lùi thời điểm thi hành Thông tư 02, đôi điều suy nghĩ

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục