Với CEO mới, Credit Suisse muốn làm cuộc cách mạng mới

(ĐTCK) Ngày 10/3/2015, Credit Suisse, Tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sỹ, sau UBS đã chính thức bổ nhiệm ông Tidjane Thiam, 52 tuổi, người gốc Bờ Biển Ngà (châu Phi) vào chức Giám đốc điều hành (CEO) thay ông Brady Dougan, 55 tuổi.
Ông Tidjane Thiam Ông Tidjane Thiam

Ông Tidjane Thiam hiện là CEO của Công ty Bảo hiểm Prudential có trụ sở tại London (Anh). Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2015.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, với việc bổ nhiệm ông Tidjane Thiam, Credit Suisse muốn làm cuộc cách mạng mới không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế nói chung, mà cả trong hệ thống ngân hàng thương mại, đầu tư Thuỵ Sỹ nói riêng vốn được liệt vào loại bảo thủ bậc nhất thế giới. Ông Tidjane Thiam mới chỉ là CEO người da đen thứ hai của một ngân hàng tầm cỡ toàn cầu, sau  Stanley O’Neal, CEO của Merrill Lynch (Mỹ) trong 4 năm (từ 2003 đến 2007).

Ông Tidjane Thiam được kỳ vọng sẽ giúp Credit Suisse khởi sắc trở lại, sau khi ngân hàng này liên tiếp bị dính vào vụ scandal giúp hàng ngàn người giàu Mỹ mở tài khoản bí mật tại Credit Suisse ở Thuỵ Sỹ để trốn thuế. Giữa năm 2014, Credit Suisse đã phải chấp thuận nộp phạt 2,6 tỷ USD cho các cơ quan chức năng của Mỹ để dàn xếp tránh phải ra toà ở Mỹ với những cáo buộc liên quan đến hành vi cố tình giúp nhiều công dân Mỹ trốn thuế.

Ông Tidjane Thiam sinh ra trong gia đình mà bố từng là chính khách có thế lực ở Bờ Biển Ngà. Năm 1982, ông trở thành người Bờ Biển Ngà đầu tiên giành được học bổng toàn phần tại Ecole Polytechnique, đại học tổng hợp rất có uy tín của Pháp ở Paris. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục theo học và được nhận bằng thạc sỹ về quản trị kinh doanh (MBA) của Trường Insead (Pháp). Sau đó, ông Tidjane Thiam đã gia nhập McKinsey& Co, tập đoàn tư vấn có tiếng của Mỹ.

Năm 1994, ông đã được Chính phủ Bờ Biển Ngà mời về làm việc với vai trò là cố vấn cao cấp về kinh tế - cơ sở hạ tầng, rồi được giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển. Song con đường quan chức ở Bờ Biển Ngà của ông đã bị đảo lộn hoàn toàn, khi năm 1999, xảy ra cuộc đảo chính ở nước này. Tướng Robert Guei, lãnh đạo Chính phủ mới đã mời ông tiếp tục làm việc, song ông từ chối và đi định cư ở nước ngoài vào năm 2000.

“Nếu bạn bị đặt vào hoàn cảnh quá khó khăn, thì bạn dường như chẳng cảm thấy sợ bất cứ điều gì”, ông Tidjane Thiam nhớ lại về quyết định sinh sống ở nước ngoài.

Ông quay lại làm việc cho McKinsey và sau đó là Công ty Bảo hiểm Aviva, trước khi được bổ nhiệm vào chức CEO của Prudential năm 2009. Trong gần 6 năm dưới sự lãnh đạo của Tidjane Thiam, giá cổ phiếu của Prudential tăng gấp gần 3 lần.

Năm 2010, ông đã đưa ra đề xuất mua lại Bộ phận châu Á của Tập đoàn Bảo hiểm American International Group (AIG - Mỹ) với giá 35,5 tỷ USD. Do số tiền quá lớn, nên các cổ đông của Prudential đều bàn lùi, vì vậy, thương vụ mua bán và sáp nhập này bị thất bại. Thời gian cho thấy, Bộ phận châu Á của AIG hiện làm ăn rất tốt, nên các cổ đông của Prudential lại cảm thấy tiếc rẻ và thừa nhận tầm nhìn chiến lược của ông.

Sau thông tin về quyết định bổ nhiệm CEO mới, giá cổ phiếu của Credit Suisse tại Sở GDCK Zurich (Thuỵ Sỹ) tăng gần 8% lên 25,04 franc Thuỵ Sỹ/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu của Prudential tại Sở GDCK London (Anh) lại giảm 2,6%, xuống còn 6,12 bảng Anh/cổ phiếu. Thực tế này cho thấy, phản ứng của giới đầu tư khá thuận. Hiểu theo cách nghĩ thông thường là,  Prudential bị thiệt vì mất đi một CEO tài năng, còn Credit Suisse đã thu nạp một lãnh đạo đầy năng lực.

Ông Tidjane Thiam có nhiều mối quan hệ với các chính trị gia nổi tiếng của Pháp và Anh. Ông từng có chân trong Ủy ban châu Phi của nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair và được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh (Légion d’honneur), huân chương cao quý nhất của Pháp.

Thế nhưng, do từ trước đến nay, ông chỉ chuyên làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, chứ chưa có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực ngân hàng, nên đây được coi là thiếu hụt lớn nhất của ông trên cương vị mới.

Còn người tiền nhiệm của ông, ông Brady Dougan, CEO mang quốc tịch Mỹ đầu tiên của Credit Suisse từ năm 2007 lại khẳng định với báo giới rằng, ông tự nguyện ra đi theo sự thoả thuận hợp tình, hợp lý với ngân hàng, chứ không phải bị mất chức. Tuy đã dẫn dắt Credit Suisse vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song ông Brady Dougan vẫn bị đánh giá là quá thận trọng, không dám mạo hiểm. Chính vì vậy, mà các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Hơn nữa, năm 2014, giá cổ phiếu của Credit Suisse còn bị giảm gần 27%.

“Là CEO ngân hàng tầm cỡ toàn cầu tới 8 năm là quá đủ. Tôi thấy còn nhiều lĩnh vực khác cũng rất hấp dẫn không kém và tôi đang lựa chọn”, ông Brady Dougan nói. 

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục