Không biết với bạn đọc thì sao, chứ với tôi, có một thời, những chuyến đi luôn mang dấu chân của những người đồng hành thú vị. Thú nhất là đến đâu, có bạn ở đó.
Ngày còn trẻ, toàn thanh niên khí lực dồi dào, lại thêm chút ham vui, cộng thêm mới ra trường, nên tình cảm chưa bị phai lạt theo khoảng cách địa lý và tần suất liên lạc, hầu như đến đâu tôi cũng có vài đứa bạn đồng hành.
Có bận, giữa trưa nắng, tôi chạy xe máy phi vội về Hải Phòng, chỉ vì thằng bạn bảo: “Chiều và sáng mai tao được nghỉ, về đây cho biết Hải Phòng, biết mặt mũi cái biển Đồ Sơn nó thế nào”.
Hay có lần, thằng bạn nghệ sĩ nửa mùa ghé Hà Nội và trong khi cả hai còn đang lâng lâng với cốc bia cỏ, bọt dính đầy mép, mềm môi, thì bạn lại kể về chuyến đi xa sắp sửa. Nghe bạn dụ, thế là cả hai thằng nửa đêm nửa hôm ra Giáp Bát, bắt xe thẳng lên Tam Đường, Lai Châu.
Bữa đó, vì đột xuất hiệp thương, rồi lên đường, tôi cơ bản mù tịt chẳng kịp tìm hiểu gì về vùng đất lạ. Ngày đó, đi xe khách khổ, mà vui đáo để. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chiếc xe già nua, ọp ẹp bò mãi từ nửa đêm đến tận chiều hôm sau mới tới được Tam Đường. Vài tiếng bác tài lại cho cả xe nghỉ “xả hơi, xả nước”.
Trước đó ít lâu, nhóm của anh bạn tôi lên đó trong một đợt sáng tác thực tế, ăn ngủ ở bản đâu cũng chừng đôi tháng, lần này quay lại thấy anh ta vui và tự tin đáo để. Ngay trong đêm đầu tiên, lớ ngớ thế nào mà trong bàn rượu hơn chục người, thì đã có tới 4 người dưới xuôi (cả tôi), toàn bạn của bạn và tôi quen cả.
Chuyện là hai anh bạn trong nhóm thực tế, sau đó xin lên đây dạy học và đang bắt đầu từng bước hòa nhập cộng đồng. Bữa đó, thấy chúng tôi lên nên hết lòng địa chủ.
Nhưng vui nhất là sáng hôm sau ra chợ phiên, trong cái lạnh sơn cước, các gian hàng lợp lá cọ, cỏ tranh rộn rã tiếng cười nói. 7 dân tộc ở Tam Đường cùng ra chợ, cười nói xôn xao. Đông vui nhất là chỗ mấy gánh hàng xén và hàng ăn. Khói mù khói mịt, sương nặng, khói nhẹ, sương đè khói không cho vượt lên quá đỉnh mái tranh, mái cọ.
Rồi còn những hàng rượu, người ta chất rượu khắp nơi, người nhiều người ít. Ai mua thì mua, thử thì thử. Cứ thoải mái mở nắp, nghiêng can, chắt rượu ra nắp mà uống, không ưng bụng thì chép miệng, lắc cái đầu.
Còn những chỗ bán thuốc lào là vui tai nhất. Những chiếc điếu ục thi nhau đỏ lửa, trong tiếng ùng ục của chiếc điếu làm bằng thân muồng to, thì những chiếc điếu ta (điếu cày thường như dưới xuôi) cũng réo lên inh ỏi. Khói bay mù mịt. Người đồng bào tãi thuốc lào ra các tấm ni lông hay bao tải rứa, cứ từng loại, từ nhẹ đến nặng. Giống mua rượu, khách có thể thử thoải mái. Chỗ này luôn là góc vui nhất.
Lần đó, lần đầu tiên tôi chạm mặt vùng cao, biết đến áo đỏ, áo xanh của các cô nàng dân tộc, biết đến chợ phiên… và biết say rượu, ngủ bản. Bên bếp lửa ấm than hồng, má cô em bé người Mông như hai quả hồng độ chín.
Còn nhiều lắm những chuyến đi kiểu đột xuất đầy hứng khởi như vậy.
Ngày mới ra trường, đi làm, cứ mỗi lần đi công tác, tôi thường xin cắt phép, nán lại đâu đó vài hôm. Một là để gặp gỡ bạn bè, hai là để khám phá kỹ hơn về điểm đến. Tôi luôn lo rằng, nhỡ đâu mình chỉ được đến đây một lần trong đời, không khám phá cho hết thì sau này sẽ tiếc lắm. Và tôi đã mang cái tâm lý đó đến với hầu hết các tỉnh mà lần đầu mình đặt chân, nhất là với những tỉnh xa xôi.
Có bận, cũng vào khoảng thời gian như thế này, lúc đó tôi viết cho một tạp chí ngành. Cuối năm, xách ba lô con cóc lên đường viết bài Tết. Sở dĩ nói balo con cóc, vì ngày đó hành trang chẳng có gì nhiều ngoài mấy bộ quần áo, vài cái bút bi, một cuốn sổ tay, cái máy ghi âm và một em Sony Cyber Shoot 5.0. Ngày đó chưa có điều kiện mua máy tính xách tay, nhưng vậy cũng là oai oách lắm rồi.
Thường, mỗi năm tôi chọn đi một vùng nào đó, lạ lạ chút để vừa được trải nghiệm, vừa có thêm tý kiến thức văn hóa, địa lý. Năm đó tôi chọn Tây Nguyên, bởi theo cung này mà nói, từ Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông, chỗ nào tôi cũng có chiến hữu, người nhà.
Bận đó, anh bạn thân xin nghỉ đâu đúng một tuần dắt tôi lang thang trên chiếc xe hai bánh. Ngày đó, lần đầu biết đến những buôn Đôn, buôn Jun, Biển Hồ, lần đầu được ngắm nhìn cái hùng vĩ của Tây Nguyên, của những rẫy cà phê bạt ngàn, của dã quỳ vàng trên vùng đất đỏ. Nhớ lại, tôi thấy vẫn mới tinh, rõ rệt như vừa hôm qua.
Năm nay, tôi có hai chuyến đi đáng nhớ, một chuyến về Đất Mũi với cu em đồng nghiệp. Một chuyến tua lại Tây Nguyên, gặp lại anh bạn cũ năm nào.
Chuyến đi Cà Mau, tôi và cu em chạy bằng moto. Phải nói là rất ưng cái bụng khi cậu em đồng hành chiều mình hết nấc, cứ chỗ nào cảnh đẹp là chủ động “dừng xe cho anh chụp ảnh”. Cái khoái cảm của chuyến đi là những tâm hồn đồng điệu ngồi trên một chiếc xe, chẳng cần nói gì nhiều, cái cảm giác cơn đói, lúc khát dường như cũng đến cùng nhau.
Còn chuyến thứ hai, sau ngót nghét 10 năm gặp lại bạn cũ. Lần này, như một thói quen, anh bạn lại cắt phép và dẫn tôi đến một địa danh mới được khai phá, đẹp vô cực. Đó là trên đỉnh Tà Đùng, cách thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) chừng 50 km. Nơi chúng tôi ở là một homestay, nơi có thể thu vào tầm mắt toàn bộ hồ Tà Đùng - Vịnh Hạ Long trên cạn của Tây Nguyên. Và lần này, khác với các chuyến đi trước, tôi và anh bạn nằm im một điểm, chỉ đi loanh quanh khu đó để chụp ảnh, còn lại là nghỉ ngơi, tám chuyện đời, chuyện nghề và uống bia.
Chuyến đi này của tôi có quá nhiều ý nghĩa và tôi thấy mình được quá nhiều. Ở Tà Đùng hai hôm, tôi được học về kinh doanh, thậm chí triết học từ những câu chuyện cùng ông chủ trọ. Vui hơn nữa, tôi được gặp lại bạn thân, sau ngần ấy năm, vẫn mày tao tý tớ, và sự gần gũi vẫn như cái buổi ban đầu.
Ngày trước tôi đi nhiều và hay giữ thói quen liên lạc, hẹn hò cùng bạn. Nhu cầu của tôi là đến đâu có bạn cũng alo để ngồi với nhau, uống ly cà phê hay vài cốc bia, chén rượu. Nhưng lâu dần, ai cũng có cuộc sống riêng, đôi khi tôi thấy mình làm phiền, nên dần thôi. Giờ tôi chỉ gọi cho những người thật sự thân thiết. Cuộc đời và những chuyến đi, mối quan hệ đã dạy tôi rằng, phải trải qua bao lần mất mát, có khi ta mới thấy trân quý những gì mình đang có, đang nắm được bằng tay.
May thay, đến giờ tôi vẫn giữ được những mối quan hệ như vậy. Để chỉ cần có thời gian, một cuộc điện thoại alo, là chúng tôi lại sẽ lên đường.