Với 10 triệu đồng bạn có mua chứng chỉ quỹ mở?

(ĐTCK) Câu trả lời của đa số NĐT là KHÔNG, bởi chứng chỉ quỹ (CCQ) mở là một sản phẩm quá mới, với một cơ chế giao dịch riêng biệt.
Với 10 triệu đồng bạn có mua chứng chỉ quỹ mở?

Tuy nhiên, nếu hiểu rõ hơn về CCQ mở, có thể NĐT sẽ trả lời khác, bởi sản phẩm này có đặc trưng quan trọng là sự minh bạch, dù hiệu quả đầu tư thì cần có thời gian để trả lời...

Theo thông tin từ MBCapital, ngày 3/4/2013, CCQ mở MBBF có phiên giao dịch đầu tiên. Tại đây, NĐT sở hữu CCQ được đăng ký bán lại CCQ, đồng thời mọi NĐT có thể đăng ký mua mới. Vì CCQ mở không niêm yết, nên có rất nhiều điểm mới liên quan đến cơ chế giao dịch. Với 2 quỹ mở đầu tiên (MBBF và Quỹ Bảo Thịnh, đang chờ UBCK cấp phép), toàn thị trường mới có 250 NĐT tiên phong bỏ vốn vào quỹ mở, so với 1,2 triệu tài khoản trên TTCK.

 

Giao dịch CCQ mở chọn NAV làm gốc

Giá trị tài sản ròng (NAV) là một khái niệm không mới với NĐT kể từ khi xuất hiện các loại CCQ đóng, như VFMVF1, VFMVF4, MAFPF1, PRUBF1... Theo quy định hiện hành, các quỹ đóng niêm yết phải công bố NAV hàng tuần, nay quỹ mở cũng phải tuân thủ quy định này. Tuy nhiên, nếu với CCQ đóng, NAV chỉ mang ý nghĩa tham khảo để NĐT tự định giá trên TTCK thì với CCQ mở, đây là một đại lượng quan trọng và xuyên suốt, quyết định cả giá mua, giá bán, các loại phí liên quan đến NĐT.

Giao dịch CCQ mở cũng có quy định theo ngày T, được gọi là ngày giao dịch. Theo quy định pháp luật, trong 1 tháng với CCQ mở phải có tối thiểu 2 ngày giao dịch, MBBF chọn ngày thứ Tư đầu tiên và thứ Tư thứ ba trong tháng, chính là ngày giao dịch của CCQ này. Ngoài 2 ngày này trong tháng, công ty quản lý quỹ (CTQLQ) không có nghĩa vụ mua - bán CCQ với NĐT.

Khi mua bán, vào ngày T-1, NĐT cần đăng ký với CTQLQ hoặc các đại lý phân phối. Đến ngày T+3, NĐT sẽ nhận được xác nhận giao dịch và nếu là lệnh mua thì xác nhận này đồng thời là xác nhận quyền sở hữu đối với số CCQ đăng ký mua. Nếu là lệnh bán thì trong thời gian T+7, NĐT sẽ được nhận lại tiền. NĐT phải đảm bảo sau giao dịch, số lượng CCQ tối thiểu trong tài khoản phải trên 100 đơn vị (1 triệu đồng mệnh giá).

Về phí, quy định pháp lý chỉ khống chế mức phí tối đa của tất cả các loại phí tính cho NĐT là 5% NVA, trong phạm vi này, các CTQLQ tự đưa ra mức phí. Tại MBBF, phí quản lý tài sản mà CTQLQ thu là 0,9%/năm tính trên NAV của quỹ. Bên cạnh đó, NĐT phải chịu phí giám sát (trả cho HSBC) tối đa 0,02% NAV/năm và 0,06% phí lưu ký (trả cho VSD). Mỗi khi giao dịch, NĐT sẽ mất thêm một khoản phí nhỏ. Cụ thể, khi mua CCQ, ngoài giá mua, sẽ phải trả phí phát hành 0,5% NAV cho mỗi đơn vị quỹ. Khi bán sẽ trả phí ở mức 2%, nếu bán CCQ mới sở hữu dưới 3 tháng; phí 1% nếu bán CCQ đã sở hữu từ 3 - 6 tháng và phí 0% nếu bán CCQ sở hữu trên 6 tháng. Điều đặc biệt là phí từ việc bán CCQ sẽ được hạch toán vào thu nhập của quỹ, nhằm khuyến khích các NĐT nắm giữ CCQ lâu dài.

 

Cần tăng tính "hữu dụng" của CCQ mở

Quỹ mở có những lợi thế riêng biệt về sự minh bạch so với các công cụ đầu tư khác khi chịu sự giám sát của 4 tổ chức (gồm ngân hàng giám sát, cơ quan quản lý TTCK, công ty kiểm toán, ban đại diện quỹ) và phải tuân thủ những ràng buộc đầu tư chặt chẽ để đảm bảo tính thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả khi NĐT muốn bán CCQ. Mọi hoạt động giao dịch liên quan đến CCQ mở đều phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu hoạt động, CCQ cũng còn nhiều điểm cần tiếp tục cải tiến. Chẳng hạn, tần suất giao dịch CCQ trong tháng chỉ có 2 lần, nên xét về tính thanh khoản, điểm này khác xa các sản phẩm niêm yết (giao dịch liên tục hàng ngày). Bên cạnh đó, trong thời gian 7 ngày, kể từ ngày giao dịch (ngày T), NĐT mới nhận tiền bán CCQ mở, cũng khác xa sản phẩm niêm yết, bởi giao dịch trên thị trường niêm yết, nếu là cổ phiếu thì NĐT được nhận tiền ngày T+3, còn nếu là trái phiếu thì chỉ cần sang T+1 là được nhận tiền.

Tuy nhiên, CCQ mở có lợi thế là ít rủi ro, nhất là với quỹ mở đầu tư trái phiếu, trong khi có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi. Đây là công cụ phù hợp với NĐT dài hạn và không có nhiều thời gian để tự đầu tư.

Nếu như trên thế giới, CCQ mở là sản phẩm đầu tư phổ biến và được ưa chuộng thì tại Việt Nam, lúc này, CCQ mở mới tiếp cận đến 250 NĐT tiên phong. Để CCQ trở thành sản phẩm đầu tư đại chúng, cần thêm sự cải thiện kỹ thuật giao dịch và đặc biệt, những quỹ mở đầu tiên cần chứng minh được lợi ích mang đến cho NĐT để "mở đường" cho các CTQLQ khác mang quỹ mở ra thị trường.

Tường Vi
Tường Vi

Tin cùng chuyên mục