Đặc biệt, trong đợt cổ phần hóa sắp tới có sự tham gia của 2 cổ đông chiến lược là CTCP Kinh Đô (KDC) và CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS).
Theo phương án cổ phần hóa của Vocarimex, vốn điều lệ là 1.218 tỷ đồng, tương đương 121.800.000 cổ phần và mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, mức giá khởi điểm đấu giá là 11.300 đồng/CP. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường là 1.380 tỷ đồng.
Thông thường, một DNNN khi cổ phần hóa sẽ thực hiện giảm dần tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh của Vocarimex thuộc lĩnh vực thực phẩm và dầu ăn là mặt hàng không trọng yếu, không cần Nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần chi phối.
Vì vậy, trong đợt IPO này, Nhà nước sẽ chỉ giữ lại 36% vốn, đủ quyền phủ quyết tại doanh nghiệp, thay vì sở hữu cổ phần chi phối 51%. Cụ thể, Vocarimex sẽ bán cho người lao động trong doanh nghiệp 0,88%, bán đấu giá công khai 31,12% vốn. Quan trọng hơn là Vocarimex sẽ có bước thay đổi hoàn toàn về cơ cấu cổ đông khi bán 32% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, bao gồm KDC, đăng ký mua 24% và VPBS, đăng ký mua 8%. Với mức giá khởi điểm đấu giá 11.300 đồng/CP thì ước tính số tiền mà KDC bỏ ra để nắm giữ tỷ lệ như trên sẽ là hơn 330 tỷ đồng.
Vấn đề dư luận quan tâm là mức giá mà Vocarimex bán cho cổ đông chiến lược và liệu 2 cổ đông chiến lược có tham gia đấu giá để nâng tỷ lệ sở hữu? Theo nội dung công bố thông tin, Vocarimex sẽ bán cổ phần cho NĐT chiến lược trước khi đấu giá công khai, thương thảo trực tiếp với từng NĐT nhằm đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn giá khởi điểm.
Trong bản công bố thông tin của Vocarimex, giai đoạn sau cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân ước đạt 7 - 8%/năm. Mục tiêu doanh thu các năm từ 2014 - 2016 lần lượt là 4.887 tỷ đồng, 5.257 tỷ đồng và 5.625 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng dần từ 38 tỷ đồng năm 2014 lên hơn 47 tỷ đồng năm 2015 và đạt 58,5 tỷ đồng năm 2016.
Như vậy, EPS năm 2014 chỉ hơn 300 đồng, PE vào khoảng 36 lần. Cổ tức dự kiến rất thấp, cụ thể năm 2014 là 2,67% vốn điều lệ, năm 2015 là 3,3% và năm 2015 là 4,08%. Qua đó cho thấy, đợt IPO sắp tới có vẻ chỉ phù hợp với NĐT tổ chức, có thể chưa là sân chơi của những NĐT cá nhân.
Trong khi đó, KDC đang có ý định mở rộng thêm lĩnh vực dầu ăn thì khả năng cao Công ty sẽ tham gia đợt IPO này. Việc KDC quyết định đầu tư vào Vocarimex thay vì lựa chọn một DN niêm yết như CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) bởi lẽ, chỉ cần thông qua Vocarimex thì KDC cũng gián tiếp nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con, liên kết. Hiện Vocarimex là công ty mẹ của CTCP Dầu ăn Tường An (thị phần đứng thứ 2), tham gia góp vốn vào Công ty Dầu thực vật Cái Lân (thị phần số 1), Golden Hope Nhà Bè và CTCP Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco)…
Theo báo cáo của Euromonitor về thị phần dầu ăn nội địa năm 2012, các công ty con và các công ty liên kết trong ngành dầu ăn của Vocarimex hiện chiếm lĩnh 76,8% thị phần sản phẩm này, trong đó Cái Lân chiếm 37,3%, Tường An 22,8%, Golden Hope 10,8% và Tân Bình 5,9%.
Thêm nữa, hơn 90% nguyên liệu để tinh luyện dầu thực vật đều phải nhập khẩu. Vocarimex đảm nhiệm việc nhập khẩu rồi bán lại cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Như vậy, sở hữu vốn ở Vocarimex giúp KDC còn có thêm thị phần về mảng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, con đường không chỉ trải thảm cho các cổ đông chiến lược bởi ở Vocarimex vẫn còn tồn tại một số yếu điểm. Chẳng hạn, dầu ăn công nghiệp đóng góp khoảng 95% tổng doanh thu công ty mẹ, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu của nhóm này chỉ khoảng 3%. Nguyên nhân là Công ty phải nhập khẩu nguyên liệu chính với giá khá cao.
Mặt khác, dù Vocarimex sở hữu nhiều công ty dầu ăn có thị phần lớn, nhưng vì cùng kinh doanh một loại sản phẩm nên không phải “gà cùng một mẹ” mà không cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần.
Trong hai “anh” lớn Cái Lân và Tường An, Vocarimex hiện chỉ chi phối được Tường An, còn công ty liên doanh với Wilmar là Cái Lân thì quyền quyết định phần nhiều thuộc về Wilmar (một trong những tập đoàn sản xuất dầu cọ cũng như dầu ăn lớn nhất thế giới).
Để có sự chuyển mình mạnh mẽ từ công ty TNHH MTV thành CTCP cần có sự chuẩn bị về nhiều mặt, trong đó có ý chí và quyết tâm của ban lãnh đạo, HĐQT. Thực tế cho thấy, Vocarimex có vẻ vẫn chưa thật sự “sẵn sàng”, các thủ tục còn nặng về hành chính.
Chẳng hạn, NĐT muốn tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp thì không biết liên hệ ai, tìm được nhân vật có thể giải đáp lại mất nhiều thời gian. Trên website của doanh nghiệp, thông tin đã cũ từ những năm 2010 đến nay, thông tin mới còn ít, tài liệu về IPO cũng chưa có (mới chỉ xuất hiện trong website của HOSE)…
NĐT cá nhân liệu có sẵn sàng mua cổ phần của một doanh nghiệp còn nặng tính hành chính và hứa hẹn trả cổ tức không cao như Vocarimex hay không, vẫn còn là câu hỏi ngỏ.