Vỡ quản trị tại một số công ty niêm yết

(ĐTCK) Việc Ban lãnh đạo cũ vô hiệu hóa quyền lợi chính đáng của các cổ đông bằng cách cố tình găm giữ hồ sơ, tài liệu công ty, không bàn giao quyền điều hành… là câu chuyện nóng tại CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB). Thế nhưng, dạo một vòng các công ty đại chúng, tình trạng “loạn” tuân thủ các quy định pháp luật là không hiếm.
Vỡ quản trị tại một số công ty niêm yết

Bức xúc “kép” của cổ đông KHB

Trong tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh của một số nhà đầu tư đã và đang sở hữu cổ phiếu KHB. Lý do của sự bức xúc này là dù là cổ đông, nhưng họ không được thực hiện quyền của mình, thậm chí còn bị kiện ngược.

“Chúng tôi đã nắm giữ cổ phiếu KHB hơn 1 năm nay và có đại diện của mình tại HĐQT. Thế nhưng, Ban lãnh đạo cũ đã phớt lờ nghĩa vụ của mình, cố tình không bàn giao tài liệu, hồ sơ của Công ty, dẫn đến các vấn đề về tái cấu trúc bị ách tắc. Trong khi chưa có đơn vị nào bảo vệ quyền lợi của cổ đông, thì chúng tôi còn phải làm việc với cơ quan điều tra để xác minh chữ ký ủy quyền khi họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên.

Chúng tôi không ngại việc xác minh bởi tất cả chữ ký đều là thật, nhưng tình trạng quyền lợi chính đáng của cổ đông thì không ai bảo vệ, còn những hành vi không hợp tác thì lại được hỗ trợ điều tra”, một cổ đông KHB nói.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT (mới) của Công ty cho biết, trong thời gian này, cơ quan Cảnh sát điều tra PC46 của tỉnh Hòa Bình cũng đang làm việc tích cực với Ban lãnh đạo cũ để yêu cầu cung cấp tài liệu, hợp tác điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại KHB do Cục Thuế tỉnh Hòa Bình chuyển hồ sơ.

“Chúng tôi hy vọng cơ quan điều tra sẽ đẩy nhanh tiến độ làm việc để Ban lãnh đạo Công ty có thêm căn cứ thực hiện các quyền chính đáng của cổ đông”, ông Sơn nói.

Đối đầu lợi ích tại DLR

Trong lúc cơ quan điều tra đang xác minh vấn đề hợp lệ của việc ủy quyền tham dự họp ĐHCĐ thường niên 2017, thì về lý, HĐQT được bầu theo Nghị quyết ĐHCĐ đã được ký bởi Chủ tịch HĐQT cũ, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng... cần được thực hiện quyền của thành viên HĐQT. Nhưng đến thời điểm này, quyền tiếp cận hồ sơ vẫn đang bị vô hiệu.

Câu chuyện vỡ quản trị không chỉ diễn ra tại KHB, mà còn ở một số công ty niêm yết khác.

Đơn cử, tại CTCP Bất động sản Đà Lạt (mã DLR), nhóm cổ đông đại diện cho hơn 10% vốn điều lệ Công ty, có thời gian nắm giữ trên 6 tháng, đã gửi công văn yêu cầu họp ĐHCĐ bất thường năm 2017 với yêu cầu miễn nhiệm một số thành viên HĐQT cũ và bầu mới thành viên, nhưng Công ty lại hoãn vô thời hạn.

Đến tháng 9/2017, nhóm cổ đông sở hữu 55% vốn điều lệ Công ty liên tục trên 6 tháng đã đứng ra tổ chức họp ĐHCĐ bất thường, với nội dung bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Công ty, cách chức Chủ tịch HĐQT của ông Trịnh Ngọc Thanh, không công nhận chức danh Tổng giám đốc được bổ nhiệm tạm thời trước đó là bà Lê Thị Kim Chính.

“Tuy nhiên, bất chấp việc ĐHCĐ đã ban hành Nghị quyết bãi nhiệm và cách chức Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Ngọc Thanh và bà Lê Thị Kim Chính vẫn không bàn giao con dấu Công ty, đồng thời phát hành các văn bản gửi các cơ quan chức năng với nội dung không công nhận Nghị quyết này. Không những vậy, ông Thanh và bà Chính đã thuê công ty bảo vệ ngăn cản các thành viên HĐQT mới được cổ đông tín cử vào trụ sở Công ty làm việc”, một cổ đông nói.

Hiện tại, trên bản công bố thông tin của DLR, Chủ tịch HĐQT ký bởi ông Thanh và việc họp ĐHCĐ đã bị lùi lại vô thời hạn, “cho đến khi có phán quyết cuối cùng có hiệu lực của Tòa án để xác định quyền sở hữu đối với số cổ phiếu đang tranh chấp hiện do các ông Phan Tấn Dũng, Lê Ngọc Khánh Việt đang đứng tên (tổng số lượng là 1.323.036 cổ phiếu, tương ứng 29,4% vốn điều lệ”.

Như vậy, chưa rõ đến khi nào, nhóm cổ đông sở hữu 55% vốn điều lệ DLR mới được tiếp cận quyền làm chủ công ty của mình.

Ngoài 2 trường hợp trên, nguồn tin từ cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết, hiện tại, tồn tại khá nhiều doanh nghiệp cũng đang rơi vào hoàn cảnh cổ đông sở hữu chi phối, nhưng bị vô hiệu hóa quyền tham gia quản trị công ty vì lý do Ban lãnh đạo cũ “cố thủ” giữ tài liệu, không bàn giao Công ty…

Các cổ đông chẳng biết làm cách nào để khắc phục được các vấn đề này ngoài việc gửi đơn thư khắp nơi để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu xu hướng này lan rộng trên thị trường chứng khoán, khi HĐQT đối đầu lợi ích với đa số cổ đông đại chúng?

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục