Vỡ đập ở Brazil, 7 người chết và 150 người mất tích

Đập nước thải thuộc khu khai thác quặng ở đông nam Brazil sụp đổ khiến bùn lầy ào qua khu ở của 300 công nhân.
Bùn lầy tràn ra đường sau vụ vỡ đập. Ảnh:Reuters. Bùn lầy tràn ra đường sau vụ vỡ đập. Ảnh:Reuters.

Fabio Schvatsman, CEO công ty khai thác quặng Vale, cho biết đập vỡ hôm 25/1, khiến bùn lầy tràn tới thị trấn Brumadinho lân cận, nằm ở tây nam thành phố Belo Horizonte, bao phủ nhiều trang trại và đường sá, cản trở cứu hộ tiếp cận khu vực, theo AFP.

Các lực lượng cứu hộ phát hiện 7 thi thể, 150 người đang mất tích. Số người chết dự kiến tăng cao hơn khi đội cứu hộ tiếp cận khu vực thảm họa hôm nay. Chính phủ của tân Tổng thống Jair Bolsonaro đối mặt với tình trạng khẩn cấp lớn đầu tiên sau khi nhậm chức hồi đầu tháng. Họ đang phối hợp ứng phó thảm họa với Bộ Quốc phòng, Bộ Khai thác Khoáng sản và Môi trường, cùng chính quyền bang Minas Gerais, nơi bị ảnh hưởng.

Bolsonaro và Bộ trưởng Quốc phòng đã bay tới khu vực này hôm nay. Bộ trưởng Môi trường tới vào đêm qua. Máy kéo, nhà cửa và cầu ngập trong bùn đất. Đội cứu hộ sử dụng máy ủi tìm kiếm người sống sót. Trực thăng giải cứu người mắc kẹt trong bùn.

Schvartsman gọi thảm họa vỡ đập là "thảm kịch con người, vì có thể có rất nhiều nạn nhân. Chúng tôi không rõ chính xác con số, nhưng chắc chắn là rất cao". Ông cho hay đã tìm thấy 100 nhân viên, nhưng những người còn lại vẫn mất tích.

CEO của công ty Vale cho hay con đập đang trong quá trình ngừng hoạt động. Chất thải trong đập đổ vào một con đập khác và tràn ra. Khoảng một triệu tấn chất lỏng màu nâu gây ảnh hưởng tới thị trấn Brumadinho với dân số 39.000 người. Những người dân sống ở vùng trũng đã được sơ tán.

Vale tuyên bố đã lập nơi ở tạm cho người dân Brumadinho mất nhà cửa. Chính quyền thị trấn cảnh báo người dân tránh xa sông Paraopeba, nơi đang bị bùn đất từ đập vỡ chắn lại. 

 Đập vỡ gần thị trấn Brumadinho. Đồ họa: AFP.

Năm 2015, Mariana, một vùng khác thuộc bang Minas Gerais, từng hứng chịu thảm họa vỡ đập khiến 19 người thiệt mạng. Hàng triệu tấn chất thải độc hại tràn ra hàng trăm km, gây thảm họa môi trường tồi tệ nhất Brazil. Vale là một trong hai nhà điều hành con đập, cùng với tập đoàn BHP của Australia.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục