VNSteel sang Nhật tìm đối tác

Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) sẽ lên đường tới Nhật Bản trong tháng 10 để tìm kiếm các cổ đông chiến lược.
VNSteel là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong ngành thép. Ảnh: Đức Thanh VNSteel là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong ngành thép. Ảnh: Đức Thanh

 

Ngày 1/10, VNSteel sẽ bắt đầu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần, sau khi việc bán cổ phần ra công chúng và đại hội cổ đông thành lập doanh nghiệp đã hoàn tất. Ông Lê Quốc Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty cho hay, ngay sau khi ra mắt công ty cổ phần, đầu tháng 10, VNSteel sẽ sang Nhật Bản làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn như Nippon Steel, JFE Steel, Tokyo Steel, Kobe Steel và một số công ty thương mại như Sumitomo Trading, Mitsui, Marubenni, để tìm kiếm đối tác chiến lược.

 

Lý giải về việc chọn Nhật Bản là nơi đầu tiên tìm đối tác chiến lược, trong khi các doanh nghiệp được xem là đối tác tiềm năng mà VNSteel công bố khi chuẩn bị IPO còn có Novolipetsk steel, Evraz Group SA, bên cạnh Nippon Steel Corp và Marubeni Itochu Steel Inc, ông Hưng cho hay, điều này xuất phát từ việc gần gũi văn hóa giữa hai nước. “Với khả năng đối tác chiến lược có thể nắm tối đa tới 29% vốn điều lệ của doanh nghiệp, nghĩa là có quyền tham gia Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát, sẽ có những xung đột văn hóa trong quản trị doanh nghiệp”, ông Hưng giải thích.

 

Những e ngại về việc khó hấp dẫn đối tác chiến lược khi cổ tức của VNSteel đặt ra chỉ có 7%/năm cũng được ông Hưng lý giải, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực sự là những nhà đầu tư dài hạn, không quá quan tâm tới lợi nhuận trước mắt, mà sẽ nhìn vào định hướng phát triển doanh nghiệp sau này.

 

Các đối tác Nhật Bản mà VNSteel sắp tiếp xúc không xa lạ với ngành thép nói riêng và Việt Nam nói chung. Nippon Steel, đối tác được VNSteel kỳ vọng nhất trong việc mua cổ phần, đã có một số dự án đầu tư tại Việt Nam. Năm 2010, Nippon Steel cùng Metal One, Marubeni-Itochu, Nippon Steel Trading, Sumitomo và Hanwa ký với VNSteel thành lập Công ty liên doanh Sản xuất ống thép hàn xoắn tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I (Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng vốn đầu tư 42 triệu USD. Nippon Steel cũng có cổ phần tại Công ty Thép tiền chế PEB Steel Buiding (TP.HCM).

 

Còn JFE Steel cũng được biết tới với dự án tổ hợp sản xuất thép chất lượng cao, có tổng công suất từ 6 đến 10 triệu tấn thép thô/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, trên diện tích 1.000 ha tại vịnh Việt - Hàn, thuộc Khu kinh tế Dung Quất mở rộng.

 

Lớn nhất có lẽ là đầu tư của Kobe Steel với Dự án sản xuất sắt xốp công suất 2 triệu tấn/năm, quy mô lên tới 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Hoàng Mai (Nghệ An), đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư năm ngoái. Tuy nhiên, dự án này đang tìm địa điểm khác, bởi nền đất cũ không đảm bảo cho xây dựng.

 

Dĩ nhiên, VNSteel cũng có những lợi thế nhất định trong ngành thép, như chiếm 37% thị phần tại phía Nam, có lợi thế đầu tư từ thượng nguồn với việc sản xuất phôi, nhiều nhà máy đã khấu hao xong, chủng loại sản phẩm đa dạng, đặc biệt là sản phẩm thép hình.

 

Tuy nhiên, VNSteel cũng có những “điểm mờ” chưa dễ giải. Đây là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong ngành thép, nhưng rất nhiều dự án thép lớn trong vài năm gần đây lại thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Hai dự án lớn nhất từ trước tới nay của VNSteel không có nhiều tiến triển. Dự án sản xuất thép cuộn cán nóng với quy mô 700 triệu USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây hợp tác với Tập đoàn Thép Essa của Ấn Độ hiện được VNSteel lui tiến độ triển khai sang năm 2012 do những khó khăn về vốn.

 

Còn dự án thép liên hợp tại Hà Tĩnh có quy mô tới 4-5 tỷ USD, dự kiến hợp tác cùng Tập đoàn Tata (Ấn Độ), tuy đã bắt đầu từ cách đây 4 năm, nhưng vẫn chưa nhận được giấy phép đầu tư. Đáng chú ý là, mỏ thép Thạch Khê, với trữ lượng 544 triệu tấn, lại không do VNSteel đứng đầu để khai thác.

 

Ngoài ra, sự trưởng thành nhanh chóng của các doanh nghiệp thép tư nhân, hay các dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn như của Tập đoàn Posco tại Việt Nam cũng khiến cho cạnh tranh trên thị trường thép ngày càng khốc liệt. Bởi vậy, mục tiêu đến năm 2025 của VNSteel (là trở thành tổng công ty thép liên hiệp hàng đầu Việt Nam với định hướng hoạt động chủ đạo là tập trung cho sản xuất - kinh doanh ngành thép là ngành cốt lõi, đồng thời khai thác giá trị của các tài sản không cốt lõi để mở rộng sản xuất - kinh doanh thép) không phải dễ thực hiện.


baodautu.vn

Tin cùng chuyên mục