Chậm tiến độ
Cuộc họp ngày 8/7 của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp để đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019 nhiều từ chậm.
Báo cáo chung của Ban chỉ đạo thừa nhận, tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, nhưng đến nay, mới cổ phần hóa 35 doanh nghiệ, đạt 27,5%.
Tương tự, tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm so với kế hoạch. Giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 doanh nghiệp, nhưng giờ mới thoái tại 88 doanh nghiệp, đạt 21,8% kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, khả năng xoay chuyển tình thế dường như rất khó khi nhiều doanh nghiệp lớn trong danh sách tiếp tục xin lui.
Vẫn xin lùi
Có tên trong danh sách cổ phần hoá trong năm 2019, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đáng ra phải hoàn tất xác định giá trị doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Nhưng đến nay, theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV, việc sắp xếp nhà đất chưa xong, mới thực hiện được 95,8%, nên chưa thể có quyết định phê duyệt cổ phần hoá, nghĩa là chưa có cơ sở để xác định chi phí cổ phần hoá để thuê tư vấn cổ phần hoá.
Với tiến độ này, ông Hùng thừa nhận, khả quan nhất thì phải đến 31.12.2020 mới xác định giá trị DN, tức là phải sang năm 2021 mới cổ phần hoá.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cũng có những băn khoăn tương tự về tiến độ hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch.
“Nói thật là đến thời điểm 31.12.2019 chúng tôi chưa chắc là có hoàn thành được việc sắp xếp đất đai hay không”, bà Tâm than thở.
Trong năm 2019, Vinafood phải cổ phần hoá 19/22 đơn vị và các vấn đề công nợ, đất đai đã gần như ổn thoả khi kết thúc 1/2019. Thế nhưng, từ tháng 4/2019, Công văn 4544 của Bộ Tài chính quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp mở rộng thêm các công ty cấp 1, cấp 2 mà công ty mẹ có cổ phần chi phối, khiến công việc phải tiếp tục làm với 22 đơn vị, 248 mảnh đất thuộc 25 địa phương.
Quy định mới về đất đai như trên cũng khiến việc thoái vốn tại 19 đơn vị trong năm 2019 của ông lớn ngành lương thực gặp khó.
“Nếu đến cuối năm mà không kịp cả cổ phần hoá lẫn thoái vốn thì chúng tôi sẽ chính thức báo cáo lên trên để xin gia hạn”, bà Tâm nói thêm.
Không thể đúng mà trì trệ
Chủ trì cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “đất có đai nên ai cũng ngại”, việc xử lý tài chính thời gian kéo dài, khó khăn, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, lòng vòng, hỏi đi hỏi lại.
“Chính phủ và Thủ tướng muốn đúng nhưng phải nhanh, đúng mà để chậm không dám làm, ách tắc, trì trệ là không được, sai lại càng không được. Thủ tướng rất sốt ruột, yêu cầu này khó nhưng phải làm, không cách nào khác, đẩy vòng quanh là không được, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh
Có thể thấy, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm là do nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Nhưng thực tế, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2019; rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyên, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện.