VNM đối mặt áp lực sữa ngoại

Việc Bộ Y tế siết quản lý mặt hàng sữa có thể gây áp lực đối với “đại gia” ngành sữa đang niêm yết là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM).
Vinamilk hiện chiếm tới 49% thị phần sữa nước. Ảnh: Đức Thanh

Dù đã trải qua một giai đoạn tăng giá đều và ổn định trước đó, nhưng thời hoàng kim của các cổ đông Vinamilk đã bắt đầu có tín hiệu chững lại từ khoảng đầu tháng 7/2013, khi cổ phiếu VNM tiếp cận mốc khoảng 140.000 đồng/cổ phiếu.

           

Theo đó, suốt giai đoạn từ giữa tháng 7 đến nay, cổ phiếu VNM chỉ loanh quanh ở mốc khoảng 140.000 đồng/cổ phiếu và chưa có tín hiệu sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

 

Trước đó, cổ phiếu VNM đã có một đợt tăng giá đều và ổn định kéo dài tới 4 tháng, từ mức hơn 100.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3/2013, lên mốc 140.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 7/2013.

 

Trong thời điểm trước khi các cơ quản lý siết lại thị trường sữa, các sản phẩm sữa cho trẻ em của Vinamilk thường thấp hơn khá nhiều so với sản phẩm sữa nhập khẩu.

 

Thời gian qua, nhờ lợi thế cạnh tranh về giá, Vinamilk đã duy trì được một phân khúc thị trường riêng khá ổn định. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, Vinamilk hiện chiếm tới 49% thị phần toàn ngành sữa nước.

 

Tuy nhiên, Bộ Y tế vừa công bố danh mục mặt hàng sữa thuộc nhà nước quản lý, trong đó, nhiều mặt hàng sữa ngoại cho trẻ dưới 6 tuổi có thể sẽ phải điều chỉnh giá cho hợp lý hơn. Với động thái này, Vinamilk sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh hơn trong mảng sữa trẻ em.

 

Mặc dù vậy, về dài hạn, cổ phiếu Vinamilk cũng vẫn có những tiềm năng riêng do công ty này đang quyết tâm vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam .

 

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, mục tiêu của Vinamilk là trở thành tập đoàn đa quốc gia và sẽ có doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017, đưa Công ty vào tốp 50 công ty sữa lớn nhất thế giới. Theo đó, Vinamilk sẽ có những trang trại lớn để đến 2017 sẽ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu từ bò trong nước, giảm bớt nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

 

Hiện tại, công ty này đã có 5 trang trại, với khoảng 8.000 con bò sữa, cho 90 tấn sữa/ngày. Ngoài ra, Công ty cũng đang liên kết với hơn 5.000 hộ dân nuôi bò sữa, cung ứng khoảng 460 tấn sữa/ngày.

 

Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 3 trang trại tại Hà Tĩnh (3.000 con bò), Tây Ninh (10.000 con bò) và Thanh Hóa (20.000 con bò).

 

Ngoài ra, Vinamilk đang tiếp tục tục tung ra những dự án nhà máy sản xuất sữa lớn cả ở trong vào ngoài nước. Điều đó cho thấy, tham vọng của công ty này không chỉ dừng lại ở quy mô và thị phần như hiện tại.

 

Vinamilk dự kiến sẽ mở 1 nhà máy ở Thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Nhà máy dự kiến khởi công từ quý II/2014, với diện tích 2,7 ha và đi vào vận hành từ tháng 7/2015. Nhà máy sẽ chuyên sản xuất sữa đặc, sữa chua, sữa tiệt trùng ở nhiệt độ cao. Đây sẽ là nhà máy thứ 2 của Vinamilk ở nước ngoài, sau nhà máy tại New Zealand .

 

Mới đây, hồi tháng 9/2013, Vinamilk đã đưa vào vận hành Nhà máy sữa tại Bình Dương. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 20 ha tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương, với vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, công suất giai đoạn I hơn 400 triệu lít sữa/năm và tăng lên 800 triệu lít sữa/năm vào giai đoạn II.

Chí Tín (baodautu.vn)
Chí Tín (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục