Nguy cơ hủy niêm yết
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam - VNECO (mã chứng khoán VNE) tổng cộng 320 triệu đồng do không công bố thông tin giao dịch với người nội bộ, thiếu nội dung trong báo cáo quản trị và chậm công bố nhiều tài liệu quan trọng theo quy định.
Đáng chú ý, tại báo cáo hợp nhất quý IV/2023, Công ty báo lợi nhuận sau thuế lũy kế hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng kiểm toán xác định thực tế lỗ 28,5 tỷ đồng - chênh lệch gần 30 tỷ đồng so với số liệu tự lập.
Đến thời điểm hiện tại, VNECO vẫn chưa tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2025 để cổ đông có thể chất vấn về các vấn đề này. Vào ngày 1/7/2025, VNECO có văn bản thông báo gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ không muộn hơn ngày 20/9/2025.
VNECO cho biết, cần thêm thời gian tập trung giải quyết các công việc còn lại để hoàn tất đưa vào vận hành thương mại 3 tuabin còn lại của dự án điện gió Thuận Nhiên Phong. Đồng thời, Công ty cũng phải xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số công trình trọng điểm, đáng chú ý là dự án điện gió Cà Mau 1 và cụm nhà máy điện gió Cà Mau 1, nhằm hoàn thiện hồ sơ, tài liệu trình đại hội.
Trước đó, vào năm 2024, VNECO cũng nhiều lần thay đổi, gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ và mãi đến cuối năm mới thông báo chốt danh sách họp đại hội vào tháng 1/2025. Nhưng sau đó, trên cả cổng thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và website Công ty đều không thấy công bố về biên bản và nghị quyết đại hội, cũng chưa rõ VNECO đã tổ chức ĐHCĐ năm 2024 hay chưa.
|
Tiền thân của VNECO là Công ty Xây lắp điện 3, kinh doanh tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Xây lắp điện, sản xuất công nghiệp, bất động sản du lịch và đầu tư dự án nguồn điện. Trong đó, tỷ trọng doanh thu xây lắp hàng năm chiếm khoảng 60-85% tổng doanh thu. Năm 2005, VNECO cổ phần hóa, chuyển đổi thành Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam và đến năm 2007 niêm yết cổ phiếu trên HOSE với mã chứng khoán là VNE.
Tuy nhiên, vào tháng 2/2025, HOSE đã phát đi cảnh báo cổ phiếu VNE sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu VNECO tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024. Trước đó, VNECO từng chậm nộp báo cáo trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 và 2023). Đến ngày 29/3/2025, Công ty đã kịp thời công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, tạm thời tránh được vi phạm.
Dù vậy, nguy cơ bị hủy niêm yết vẫn đang như “án treo” lơ lửng, mà nguyên nhân là VNECO có khả năng thua lỗ 3 năm liên tục. Sau khoản lỗ 28,5 tỷ đồng trong năm 2023, Công ty ghi nhận mức lỗ sâu hơn 265,8 tỷ đồng trong năm 2024. Bước sang quý I/2025, VNECO tiếp tục lỗ hơn 23,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1,46 tỷ đồng, từ đó nâng lỗ lũy kế lên hơn 151 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2025.
Hiện VNECO chưa công bố kế hoạch kinh doanh chính thức cho năm 2025, nhưng trong báo cáo thường niên năm 2024, VNECO đã dự kiến lợi nhuận sau thuế cho Công ty mẹ ở mức âm 68,6 tỷ đồng.
Việc đến nay vẫn chưa tổ chức ĐHCĐ có thể do VNECO đang cần thêm thời gian rà soát và cân đối các chỉ tiêu tài chính, trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2025 sẽ mang tính quyết định đến khả năng cổ phiếu VNE còn ở lại HOSE hay không.
Nặng gánh áp lực vốn
Hiện VNECO chưa công bố kế hoạch kinh doanh chính thức cho năm 2025, nhưng trong báo cáo thường niên năm 2024, VNECO đã dự kiến lợi nhuận sau thuế cho Công ty mẹ ở mức âm 68,6 tỷ đồng.
Bóc tách kỹ hơn, nguyên nhân khiến VNECO liên tục thua lỗ trong những năm gần đây chủ yếu đến từ việc gia tăng đòn bẩy tài chính, trong khi hiệu quả kinh doanh không theo kịp. Từ năm 2022, Công ty bắt đầu đẩy mạnh vay nợ chủ yếu để bổ sung vốn lưu động, thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, mở L/C, đầu tư vào các dự án và tài sản doanh nghiệp. Tổng nợ vay đầu năm 2022 ở mức 718 tỷ đồng, nhưng đã tăng gấp đôi, lên gần 1.575 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Tỷ lệ vay nợ tăng kéo theo chi phí lãi vay nhảy vọt. Năm 2022, chi phí lãi vay của VNECO vọt lên 102 tỷ đồng, từ mức 37 tỷ đồng của năm trước. Trong 2 năm tiếp theo, con số này tiếp tục tăng lên 124 tỷ đồng (năm 2023) và 160 tỷ đồng (năm 2024). Trong khi đó, hoạt động kinh doanh không đủ bù đắp khiến vốn chủ sở hữu liên tục bị bào mòn, giảm xuống xấp xỉ 731,6 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ vay tài chính trên vốn chủ sở hữu theo đó tăng lên mức 2,15 lần.
Nợ vay tăng, nhưng tốc độ triển khai các dự án không đạt tiến độ đề ra. VNECO cho biết, một số công trình bị vướng mắc thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng; trong khi đó, room tín dụng bị siết chặt khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay thương mại. Hệ quả là dòng vốn giải ngân bị đình trệ, kéo theo chậm thanh toán cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khiến tiến độ thi công các công trình điện bị chậm lại và không kịp nghiệm thu với chủ đầu tư.
Không chỉ vậy, môi trường đấu thầu cũng trở nên khốc liệt hơn. Giá dự toán của các công trình điện ngày càng thấp, vì vậy giá trúng thầu và thực tế thi công rất khó khăn. Một số dự án dù vừa trúng thầu đã phải gánh lỗ do chi phí đầu vào biến động mạnh, trong khi giá vật liệu xây dựng và chi phí thi công tăng đột biến.
Mặt khác, VNECO đang bị “giam” hàng trăm tỷ đồng tại các khoản phải thu ngắn hạn. Nổi bật là từ các khách hàng: Công ty cổ phần Thương mại Reenize (hơn 152,59 tỷ đồng); Công ty cổ phần Vinatekcom (hơn 44,65 tỷ đồng); Ban quản lý dự án Các công trình điện Miền Trung (hơn 42,67 tỷ đồng); Ban quản lý dự án Các công trình điện Miền Nam (hơn 29,08 tỷ đồng)… Ngoài ra, VNECO còn hơn 152,19 tỷ đồng phải thu từ giao dịch liên quan thu xếp vốn tại Công ty TNHH Điện gió Thuận Nhiên Phong 1.
Tại báo cáo tài chính năm 2024, kiểm toán cũng nhấn mạnh, khả năng hoạt động liên tục của VNECO phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản phải thu, gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Trước áp lực tài chính đang rất lớn, vào tháng 5/2025, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã thông báo chấm dứt hợp đồng thi công Gói thầu CPC-ĐH.LT-W01 giữa Ban quản lý dự án Lưới điện miền Trung và VNECO, thuộc dự án nâng cao khả năng mang tải đường dây 110 kV TBA 110 kV Đồng Hới - Lệ Thủy. Lý do là VNECO đã vi phạm hợp đồng, không còn năng lực thực hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ gói thầu.
Để vơi bớt áp lực về vốn, trong năm 2022, VNECO đã lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông tăng vốn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, VNECO đã trình hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng do Công ty là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong đại án Hứa Thị Phấn nên chưa thực hiện được.
Cụ thể, VNECO có ký hợp đồng hợp tác đầu tư với bà Ngô Kim Huệ từ năm 2007. Tuy nhiên, dự án hợp tác không thành công. Đến năm 2010, bà Huệ đã chuyển trả lại cho VNECO tổng cộng 400 tỷ đồng, bao gồm 310 tỷ đồng tiền gốc và 90 tỷ đồng lãi vay. Tuy nhiên, trong số tiền bà Huệ chuyển trả có 200 tỷ đồng được xác định là có liên quan đến vụ án Hứa Thị Phấn. Theo phán quyết của tòa án, khoản 200 tỷ đồng nói trên thuộc về Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và VNECO bị yêu cầu hoàn trả lại số tiền này.
Tuy nhiên, VNECO không chấp thuận và cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp nhằm thúc đẩy khiếu nại theo hình thức Giám đốc thẩm vụ việc mà toà án sơ thẩm và phúc thẩm TP.HCM buộc VNECO phải hoàn trả lại 200 tỷ đồng.
“Đây là điều kiện rất quan trọng để khơi thông nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng cho VNECO vay để thực hiện các dự án đầu tư và kinh doanh trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo”, VNECO nhấn mạnh.