VNECO (VNE) nói gì khi bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VNECO cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ dần những điểm còn thiếu hụt về pháp lý để hoàn thiện dự án, tăng nguồn thu và đồng thời tập trung tái cấu trúc lại các tài sản không sinh lợi hoặc chậm luân chuyển để tăng tính thanh khoản cho Tổng công ty.
VNECO (VNE) nói gì khi bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

Trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam – VNECO (mã VNE) giảm 34,4% so với năm trước và lỗ gần 71 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh trong kỳ của VNE âm gần 29 tỷ đồng.

Từ những yếu tố này, kiểm toán cho rằng khả năng tiếp tục hoạt động của Tổng công ty phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản phải thu, gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.

Theo giải trình của VNECO, hoạt động sản xuất kinh doanh của VNECO chịu sự tác động rất lớn từ những rủi ro bất khả kháng.

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng và kéo dài từ năm 2020 - 2022 dẫn tới hoạt động thi công ngưng trệ. Việc kéo dài thời gian thi công làm tăng chi phí quản lý công trình, lãi vay vốn lưu động và biến động giá tăng của vật tư đầu vào và lạm phát tác động tới chi phí nhân công, trong khi giá đấu thầu công trình với các chủ đầu tư là giá cố định dẫn tới các công trình sau thời gian thi công tới giai đoạn quyết toán bị giảm lợi nhuận hoặc lỗ.

Thứ hai, năm 2022 - 2023 các ngân hàng siết chặt room tín dụng từ giữa năm, nên việc hỗ trợ vốn cho hoạt động thường xuyên của Công ty thay đổi từ việc tài trợ vốn để thi công trước khi có khối lượng thay đổi thành tài trợ khi có khối lượng hoàn thành. Điều này làm cho nhu cầu vốn lưu động cao hơn, thời gian kéo dài hơn, lãi vay tăng cao làm giảm lợi nhuận dòng tiền quay về để tăng trưởng hoạt động kinh doanh kéo theo doanh thu giảm và cơ hội tăng trưởng việc mới giảm.

Thứ ba, sự chồng chéo trong các Quy định pháp luật và thiếu cơ sở pháp lý trong thủ tục đầu tư đã tác động trực tiếp tới Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong do VNECO sở hữu 100% vốn, đồng thời là nhà thầu EPC đã thi công hoàn tất 8 tuabin từ năm 2021. Trong đó, 5 tuabin đủ điều kiện vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 để được hưởng giá fix ưu đãi trong 20 năm; 3 tuabin còn lại dù hoàn thành lắp dựng, nhưng không kịp kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật tại ngày 31/10/2021. Sau đó, dù 3 tuabin hoàn toàn sẵn sàng đủ tiêu chuẩn nhưng tới thời điểm báo cáo hiện tại vẫn chưa bán được do những lý do vượt ngoài sự kiểm soát của Công ty liên quan đến chính sách và cơ chế giá điện.

Ban lãnh đạo VNECO cho biết đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để tháo gỡ dần những điểm còn thiếu hụt về pháp lý dự án để hoàn thiện dự án, tăng nguồn thu và đồng thời tập trung cơ cấu tái cấu trúc lại các tài sản không sinh lợi hoặc chậm luân chuyển tăng tính thanh khoản cho Tổng Công ty.

Hiện nay, việc triển khai cơ cấu các bất động sản chậm và gặp trở ngại khi tiếp cận nhà đầu tư từ ngày 01/08/2024, Luật đất đai mới có hiệu lực nhưng bảng giá đất mới chưa được ban hành ảnh hưởng tới việc thực hiện giao dịch tính thuế chuyển nhượng bất động sản, cho thuê.

Ở một diễn biến khác, vào ngày 23/09 vừa qua, VNECO mới chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Thời gian và địa điểm sẽ được Công ty thông báo chi tiết sau.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/09, cổ phiếu VNE giảm 1,6%, xuống còn 4.300 đồng/CP.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục