Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, để nghị định này đi vào thực tiễn, cần thêm những thông tư hướng dẫn cụ thể và điều này chắc chắn sẽ tốn thêm một khoảng thời gian nhất định.
Xu hướng trung hạn, VN-Index vẫn đang di chuyển trong một dải tăng giá. Dù vậy, ngắn hạn hơn, khi đường giá tiếp cận vùng kháng cự 600 - 610 điểm, những khó khăn có thể sẽ lớn hơn và không loại trừ những đợt rung lắc hoặc điều chỉnh tương đối.
Tính riêng trong tháng 6/2015, VN-Index tăng 4,1% và hiện đang ở vùng điểm cao nhất trong suốt con sóng tăng kéo dài từ tháng 4 đến nay. Điểm sáng lớn nhất trong tháng 6 là giao dịch của khối ngoại. Bất chấp những lo ngại gần đây của thị trường thế giới về tình hình nợ tại Hy Lạp, việc mua ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam vẫn đang diễn ra với cường độ mạnh, đặc biệt trong vài phiên gần đây khi chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài chính thức được ban hành.
Cụ thể, trong tháng 6, khối ngoại đã mua ròng gần 1.100 tỷ đồng riêng trên HOSE. Lũy kế 6 tháng đầu năm, con số này đạt hơn 4.100 tỷ đồng. Các thống kê trên cho thấy, ở cả tầm nhìn ngắn và trung hạn, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được lựa chọn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là khi tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục có khởi sắc và tương quan định giá của TTCK Việt Nam vẫn giữ mức hấp dẫn hơn so với bình quân trong khu vực.
Liên quan đến câu chuyện của khối ngoại, thị trường hiện đang tập trung sự chú ý vào Nghị định 60 với những thay đổi liên quan đến việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài dành cho các cổ phiếu đang niêm yết. Nghị định này cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 100% nếu không thuộc lĩnh vực hoặc ngành nghề có điều kiện. Theo nhận định từ nhiều CTCK, đây một thông tin tích cực với TTCK Việt Nam, nhưng nhà đầu tư vẫn cần chú ý đến một số điểm.
Thứ nhất, quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, trong trường hợp công ty là công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh không có điều kiện đối với sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế (100%), trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ phải thực hiện theo những quy định pháp luật riêng cho nhóm ngành đó, chẳng hạn như nhóm ngành viễn thông, ngân hàng…
Thứ hai, trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề mà công ty đó hoạt động có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Thứ ba, trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về sở hữu nước ngoài thì sẽ ưu tiên thực hiện điều ước quốc tế (như WTO). Cần lưu ý, điều tương tự sẽ được áp dụng với TPP khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên.
Thêm vào đó, ngay cả với các công ty hoàn toàn thỏa mãn điều kiện để thực hiện nới room, việc quyết định có tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài hay không còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp khi vấn đề này cần được ĐHCĐ của công ty đó thông qua.
Trên thực tế, thông tin nới room đã hỗ trợ thị trường có phiên tăng điểm đầu tuần khá tốt, nhưng trong ngày giao dịch thứ hai, mức tăng có xu hướng giảm dần, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Điều này cho thấy, những tác động tới thị trường trong những ngày qua dường như mới chỉ mang tính chất tâm lý.
“Để nghị định thật sự đi vào vận hành sẽ cần thêm những thông tư hướng dẫn cụ thể và điều này chắc chắn sẽ tốn thêm một khoảng thời gian nhất định. Theo thông tin thông kê ban đầu, một số cổ phiếu đang hết room nước ngoài có thể sẽ thực hiện việc nới room cho khối ngoại trong thời gian tới, như BMP, TCM, EVE, KMR, HCM, MWG, ST8”, ông Lâm cho biết.