VN-Index tăng trong nghi ngờ, chiến thuật bám theo dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ khó có những đợt bùng nổ như nửa đầu năm nay. Vì thế, việc chọn nhóm ngành và cổ phiếu là yếu tố quan trọng nhất để chiến thắng thị trường.
VN-Index tăng trong nghi ngờ, chiến thuật bám theo dòng tiền

Nhóm ngân hàng giảm sức hút

Mối tương quan giữa VN-Index và nhóm cổ phiếu ngân hàng ở mức cao, tức sự tăng giá và điều chỉnh, cũng như đi ngang là tương đồng.

Gần đây nhất, trong tháng 8/2021, những phiên chỉ số tăng điểm mạnh đều nhờ “đầu kéo” ngân hàng, còn những phiên giảm điểm hoặc đi ngang chủ yếu do nhóm cổ phiếu này bị xả hàng.

Nhìn chung, ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu “vua” lên thị trường chứng khoán rất lớn, trong các đợt tăng/giảm giá của VN-Index đều có diễn biến tăng/giảm giá của nhóm ngân hàng.

Nhóm bất động sản và thực phẩm cũng có ảnh hưởng không nhỏ lên VN-Index. Nhưng xét về sự ảnh hưởng của cả số liệu và tâm lý, thì nhóm ngân hàng vẫn cho thấy vai trò lớn nhất, dù dòng tiền đầu tư chảy vào đây ít hơn trước.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trải qua 2 đợt phân phối lớn vào đầu tháng 6, đầu tháng 7/2021 và chỉ số giá cổ phiếu “vua” có diễn biến giảm. Trong khi đó, tỷ trọng tiền chảy vào cổ phiếu ngân hàng từ mức 35% trong tháng 5/2021 đã giảm xuống 20 - 21% trong những phiên giao dịch gần đây.

Với bối cảnh thị trường hiện nay, khả năng nhóm ngân hàng tăng giá mạnh và tạo những đợt sóng trên thị trường như nửa đầu năm 2021 trong thời gian tới không cao, nếu xảy ra thì có thể cần một khoảng thời gian dài.

Điều này có nghĩa, VN-Index sẽ khó có những đợt bùng nổ trong giai đoạn cuối năm, bởi vì sức hấp dẫn của các nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn có ảnh hưởng chi phối không còn được đánh giá cao.

Vì thế, để tối ưu giá trị tài khoản đầu tư, nhà đầu tư nên tìm kiếm các ngành tiềm năng khác. Thị trường hiện tại được phân chia thành 25 nhóm ngành, việc đi sâu tìm hiểu các nhóm ngành sẽ giúp xác định nhóm nào có thể tham gia và nhóm nào nên tạm thời đứng ngoài quan sát.

Chiến lược cho kịch bản VN-Index đi ngang

Với kịch bản VN-Index sẽ dao động đi ngang trong thời gian tới, việc tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có thể thu được lợi nhuận, nhưng nhiều khả năng đó sẽ không phải là sự lựa chọn tối ưu so với cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ.

Về nhóm ngành, sự ưu tiên lúc này là nhóm ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ giai đoạn cuối năm như bất động sản, cảng biển, thép…

Một vấn đề nữa là nhà đầu tư nên đặt mức kỳ vọng lợi nhuận vừa phải. Khoảng 90% các cổ phiếu sẽ đi theo xu hướng thị trường, nên việc chọn được cổ phiếu tốt cũng ít có khả năng tăng giá mạnh, đồng thời khó có thể tránh khỏi nguy cơ giảm giá nếu thị trường vào pha điều chỉnh. Với nhận định VN-Index sẽ đi ngang trong thời gian tới, nhà đầu tư nên đặt mức kỳ vọng lợi nhuận từ 5 - 15%, thay vì trước đây là 20% trở lên trong giai đoạn thị trường tăng giá, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn.

Việc quản trị rủi ro cũng là vấn đề nhà đầu tư cần cân nhắc. Khi giải ngân trong bối cảnh thị trường đi ngang, chọn được cổ phiếu mạnh sẽ giúp thu được lợi nhuận tốt, đồng nghĩa mua cổ phiếu yếu có rủi ro cao.

Nếu như thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh, nhà đầu tư chọn nhầm cổ phiếu có thể không cần cắt lỗ, mà nắm giữ 1 - 2 tháng là giá có thể tăng trở lại theo quán tính của thị trường. Trong giai đoạn thị trường đi ngang thì không đơn giản như vậy, nên việc đặt mức dừng lỗ sẽ giúp loại bỏ sớm những cổ phiếu yếu để tìm cơ hội ở các cổ phiếu khác.

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, P/E của VN-Index trên 16 lần, tức là ở mức trung bình nhiều năm trước đó. Mức P/E hiện tại tương đương với P/E trong đợt sụt giảm tháng 1/2021, khi chỉ số khoảng 1.000 điểm. Nói cách khác, mức 1.300 điểm hiện tại giống như mức 1.000 điểm ở tháng đầu năm nay nếu xét hệ số P/E. Ở giai đoạn cao trào, P/E từng đạt mốc 19 lần vào cuối tháng 6, nên mốc 16 lần hiện nay là hợp lý.

Chỉ số định giá phổ biến khác là P/B đang ở mức 2,59 lần, cao hơn so với mức trung bình những năm trước cũng như giai đoạn tháng 1/2021 (2,32 lần). Điều này hàm ý rằng, những nhóm cổ phiếu có P/B cao sẽ ít có khả năng tăng giá trong thời gian tới.

Sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu gần đây rất rõ ràng, thị trường hiện tại đang ở mốc 1.300 điểm, nhưng không ít cổ phiếu vượt đỉnh năm 2021, thậm chí vượt cả đỉnh lịch sử. Có nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh, nhiều người nghĩ giá trở nên đắt, nhưng giá sau đó không giảm mà duy trì đà tăng. Ngược lại, có nhóm cổ phiếu tưởng chừng rẻ thì giá lại tiếp tục giảm.

Sự phân hóa này chủ yếu thể hiện kỳ vọng vào tương lai của nhà đầu tư. Trong bối cảnh dịch bệnh dẫn đến giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người lập luận rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng, dòng tiền sẽ chuyển hướng sang một số kênh đầu tư thanh khoản cao như chứng khoán, tập trung vào các nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ, dù mức độ hưởng lợi không nhiều, hoặc chưa thể ước lượng được.

Chẳng hạn, giá dầu tăng thì doanh nghiệp dầu khí sẽ hưởng lợi, hay đầu tư công được đẩy mạnh sẽ mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, thép… Trong khi đó, mỗi nhóm ngành có nhiều phân khúc và không phải phân khúc nào cũng có triển vọng như giá dầu tăng là yếu tố bất lợi đối với nhóm doanh nghiệp hạ nguồn ngành dầu khí (phân phối thành phẩm xăng, dầu, khí), nhất là trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm vì giãn cách xã hội.

Thực tế cho thấy, chỉ cần nhà đầu tư có niềm tin là dòng tiền sẽ chảy vào thị trường chứng khoán nói chung, cổ phiếu các nhóm ngành và doanh nghiệp cụ thể nói riêng. Có thể gọi giai đoạn này chính là đầu tư trong sự kỳ vọng.

Còn những cổ phiếu giảm giá mạnh, tưởng rằng đang rất rẻ, nhưng nhiều khả năng vẫn đang dò đáy ngắn hạn, thậm chí đáy trong nhiều năm qua.

Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn và thường xuyên thu hút dòng tiền trên thị trường, gần đây có diễn biến giảm giá trên diện rộng chủ yếu là do việc hạ lãi suất cho vay và khả năng ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, qua đó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Thị trường chứng khoán đang ở vùng đỉnh lịch sử, dịch Covid-19 có khả năng kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng nguy cơ thị trường giảm sâu là khó xảy ra.

Bởi lẽ, không phải ngành nghề, lĩnh vực nào cũng khó khăn, vẫn có những ngành có triển vọng khả quan và trong các ngành đang đối mặt với nhiều thách thức có một bộ phận doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt. Dòng tiền sẽ tập trung chảy vào cổ phiếu của các nhóm này.

Thị trường luôn có dòng tiền nâng đỡ mỗi khi điều chỉnh giảm và nhanh chóng phục hồi, tạo ra cơ hội thu lời nhanh, duy trì sức hấp dẫn.

Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường dồi dào, chực chờ cơ hội giải ngân. Nếu như quý III năm ngoái, thanh khoản xoay quanh 9.000 tỷ đồng/phiên thì năm nay tăng gấp đôi, có những phiên gấp 3.

Thị trường luôn có dòng tiền nâng đỡ mỗi khi điều chỉnh giảm và nhanh chóng phục hồi, tạo ra cơ hội thu lời nhanh, duy trì sức hấp dẫn.

Lưu ý, tâm lý giao dịch lướt sóng gia tăng nên dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu. Vì thế, nhà đầu tư thường quan tâm đến những người khác đang tập trung vào đâu, nhóm cổ phiếu nào có các yếu tố hỗ trợ, kể cả tin đồn, chỉ cần thấy dấu hiệu dòng tiền chảy vào và giá bắt đầu “chạy” (tăng) là mua như nhóm cảng biển hay phân bón trong thời gian gần đây.

Chiến lược giao dịch bám theo dòng tiền đòi hỏi nhà đầu tư phải dành thời gian sâu sát với thị trường và sự nhanh nhạy trong phán đoán cũng như nắm bắt thông tin. Lưu ý, nhà đầu tư khó có thể chống lại được dòng tiền, phải chấp nhận nương theo để kiếm lời, dù lý do giá tăng có thể không hợp lý. Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên thận trọng với những cổ phiếu của doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý III/2021.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.02 -6.16 -0.48% 108,400 tỷ
HNX 243.11 -0.8 -0.33% 977 tỷ
UPCOM 91.55 0.07 0.07% 353 tỷ