Và nhóm cổ phiếu dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn dắt cả thị trường, đồng thời đẩy chỉ số bứt phá vượt đỉnh 5 năm một cách thành công. Điều này đã tạo ra sự hưng phấn hơn cho NĐT và manh nha xuất hiện thêm một vài nhóm khác tạo sự bứt phá như: chứng khoán, khoáng sản...
Thế nhưng có vẻ như NĐT vẫn chịu áp lực khá lớn trước việc chỉ số VN-Index ở ngưỡng 640 điểm và lo sợ rủi ro khiến cho những nhóm này không thể dẫn dắt thị trường được lâu. Dòng tiền chỉ tạo ra một vài phiên tăng rồi sau đó lại mất hút khi áp lực bán gia tăng mạnh. Chính điều này là nguyên nhân mà những phiên vừa qua, thị trường phải chịu áp lực bán khá mạnh và thị trường chưa thể tạo ra thêm một sự bứt phá. Và điều đó mang đến những quan ngại: nếu như khối lượng tiếp tục gia tăng thì dòng tiền thực rút ra sẽ ngày càng nhiều hơn, trong khi dòng tiền ảo gia tăng có thể khiến thị trường đảo chiều.
Trước việc áp lực bán gia tăng, nhóm cổ phiếu dầu khí lại “xuất trận” lần nữa và đang kéo thị trường trở lại. Khi tín hiệu tích cực đã xuất hiện, nguồn cung hàng có dấu hiệu giảm dần cho thấy lượng hàng chốt lời đã cạn dần. Người bán cũng đã bán và thị trường đang có một lớp NĐT mới cùng những kỳ vọng lạc quan mới vào thị trường.
Về mặt nào đó, chúng tôi cho rằng, 3 phiên vừa qua là một sự hợp lý của thị trường. Nó được xem như một nhịp dừng nghỉ của cả hai chỉ số sau một tuần tăng mạnh trước đó. Khi quan sát chỉ số HNX-Index, chúng tôi nhận thấy những cây nến xanh tăng điểm xuất hiện liên tiếp, thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ và đó là dấu hiệu sắp có một phiên đảo chiều. Nhưng những phiên gần đây, điều đó không còn nữa khi liên tiếp là những cây nến ngắn nhỏ xen kẽ cho thấy sự ngập ngừng của thị trường nhưng đồng thời nó có thể coi như một sự tích lũy.
Câu hỏi được nhiều NĐT đặt ra lúc này là, tuần 8 - 12/9, thị trường sẽ tăng điểm hay điều chỉnh? Khả năng đảo chiều giảm điểm là có thể xảy ra, nhưng không nhiều, và nếu như có thì mức độ suy giảm cũng sẽ không quá lớn. Một phần do dòng tiền đứng ngoài là rất lớn và vẫn chờ nhịp điều chỉnh để mua, một phần do lo ngại nhất định nên tỷ lệ đòn bẩy chưa hẳn đã cao, nên áp lực phải bán sẽ không quá mạnh. Với sự tương hỗ ở cả chiều mua lẫn chiều bán như vậy thì vùng 625 - 633 điểm sẽ hỗ trợ tốt cho VN-Index. Và nếu như điều đó có xảy ra thì thị trường càng tạo ra sự bền vững hơn cho đà tăng giá tiếp theo.
Về khả năng tăng điểm, theo IVS, khả năng này dễ xảy ra hơn. Thứ nhất, khi tín hiệu của sự tiết cung đã được nhìn thấy thì áp lực cung lên thị trường đã giảm đáng kể. Thứ nữa là sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí trở lại và mang đến sinh khí mới cho thị trường. Chỉ cần có thêm những diễn biến tích cực, có thêm những nhóm dẫn dắt khác thì sự bùng nổ có thể xảy ra. Đến cuối tuần qua, những nhóm có vai trò lớn trong những nhịp tăng của thị trường như chứng khoán, bất động sản... vẫn chưa xuất hiện. Nhưng chúng tôi tin rằng, tuần 8 - 12/9, điều đó sẽ xảy ra và một nhịp bứt phá mới trên cả hai sàn sẽ xuất hiện.
Vai trò của khối ngoại trong những nhịp tăng giá từ trước đến nay vẫn rất lớn. Và có thể trong những tháng vừa qua, chu kỳ bán của các quỹ ETF chưa chấm dứt, nên áp lực bán từ khối này vẫn là một trở ngại cho đà tăng của thị trường. Nếu như chu kỳ này tiếp tục lặp lại thì tháng 9 sẽ được đón nhận sự trở lại của khối ngoại. Điều này dường như đang rõ ràng hơn khi chỉ với 3 phiên đầu tháng 9, mức độ mua ròng của khối ngoại đã đạt hơn 8,7 triệu đơn vị trên sàn HOSE, một sự hậu thuẫn kịp thời và sẽ thúc đẩy sự gia tăng của chỉ số trong giai đoạn tiếp theo.