Từ đầu năm 2011 đến nay, thị trường trải qua 14 phiên giao dịch thì cổ phiếu BVH tăng giá liên tục trong cả 14 phiên, trong đó 6 phiên gần đây tăng kịch trần. Từ mức giá 67.500 đồng/CP mở cửa ngày 4/1, cổ phiếu BVH hiện đạt 103.000 đồng/CP, tăng 52,59%. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu BVH trong khoảng thời gian này là 1.311.950 đơn vị, giá trị giao dịch đạt 111,213 tỷ đồng.
Nhìn lại lịch sử, ngày 31/5/2007, giá IPO thành công của Bảo Việt là 73.910 đồng/CP. Như vậy, sau gần 4 năm giao dịch, lần đầu tiên có một DN nhà nước có giá giao dịch vượt qua giá IPO.
Cổ phiếu tăng giá là điều mà cổ đông, NĐT nào cũng mong muốn. Nhưng vấn đề gây bức xúc là cổ phiếu BVH tăng giá nóng như vậy đã tác động mạnh đến VN-Index. Cụm từ "xanh vỏ, đỏ lòng" được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây để nói về việc vài mã blue-chip, trong đó có BVH, kéo VN-Index liên tục tăng điểm, trong khi gần hết cổ phiếu khác đều giảm giá. Một số NĐT đã gọi chỉ số đo lường sàn chứng khoán TP. HCM là BVH-Index thay cho VN-Index.
Nhiều NĐT (ngoại trừ NĐT cổ phiếu BVH) nóng ruột khi chứng kiến VN-Index tăng tốc trong khi cổ phiếu trong danh mục của họ thì không sinh lời, thậm chí thua lỗ. Những người đang đứng ngoài thị trường thì vẫn quan sát và không ít người tỏ vẻ lo ngại trước hiện tượng "méo mó" này.
Trong tháng 1/2011, các quỹ đầu tư nước ngoài đã mua 1.212.780 cổ phiếu và bán 470.470 cổ phiếu BVH, chiếm khoảng 92% thanh khoản của mã này. Sở dĩ khối ngoại có thể "làm mưa làm gió" với BVH là do lượng cổ phiếu có thể giao dịch hàng ngày của Bảo Việt còn rất ít. Nhà nước và Công ty Bảo hiểm HSBC Châu Á - Thái Bình Dương đang sở hữu lần lượt 77,54% và 18% cổ phiếu BVH. Lượng cổ phiếu còn lại phần lớn nằm trong tay các quỹ ngoại (hiện room của NĐT nước ngoài là 24,65%). Với mức vốn hóa ngày 21/1/2011 là 70.102 tỷ đồng (chiếm 11,08% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường) thì chỉ cần một lô giao dịch 10 cổ phiếu BVH cũng đủ làm VN-Index "đổi màu".
Có nhiều giả thiết được đặt ra để lý giải cho hành động thu gom các cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn, đặc biệt là BVH, đồng thời đẩy VN-Index lên những mức cao mới. Mục đích là nhằm thu hút sự chú ý của dòng vốn nước ngoài vào sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam thông qua chỉ số chính là VN-Index, hoặc là đẩy giá các cổ phiếu trong danh mục ETF để bán được chứng chỉ quỹ với giá cao.
Việc giá cổ phiếu liên tục leo thang, tất yếu một lúc nào đó NĐT sẽ bán ra chốt lời, khi đó giá cổ phiếu lại tụt dốc không phanh. Đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến trong năm 2010 vừa qua, với hàng loạt cổ phiếu bị nghi vấn "làm giá". Đối với những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn như BVH thì điều này sẽ càng tác động mạnh đến thị trường.
Vấn đề mấu chốt ở đây chính là việc niêm yết toàn bộ số lượng cổ phiếu của DN, nhưng Nhà nước lại nắm giữ phần lớn. Nhìn sang VCB, ngân hàng này có vốn điều lệ 17.587 tỷ đồng, nhưng chỉ niêm yết lượng cổ phiếu đã IPO, tức 9,28% vốn hiện hành. Trong khi đó, BVH lại niêm yết toàn bộ khối lượng cổ phiếu lưu hành. Hiện tại, giá của cổ phiếu VCB là 33.000 đồng/CP, tổng giá trị vốn hóa đóng góp vào rổ tính VN-Index chỉ chiếm hơn 58.000 tỷ đồng, không lọt nổi vào Top 10.
Giả sử BVH cũng chỉ niêm yết khối lượng cổ phiếu đã IPOs thì sẽ không thể nào có hiện tượng bất thường nêu trên. Đây có lẽ là bài học kinh nghiệm mà các cơ quan quản lý cần tính tới, khi mà hàng loạt DN lớn (Nhà nước nắm cổ phần chi phối) đã, đang và sắp lên sàn chứng khoán trong thời gian tới.