Nhiều yếu tố chi phối
Nhà đầu tư ban đầu tỏ ra khá bình thản với các thông tin từ bên ngoài như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hay chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang. Tuy nhiên, quan điểm đó nhanh chóng thay đổi khi nhìn tỷ giá trong nước nhảy múa liên tục trong mấy ngày qua. Cùng với đó, làn sóng bán ra liên tục từ khối ngoại khiến giới đầu tư liên tưởng đến những thị trường cận biên khác khi mà các quỹ đầu tư đã thoái vốn hàng chục tỷ USD.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, thị trường Việt Nam có sự khác biệt như kinh tế tăng trưởng ổn định với mức lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Tình trạng căng thẳng tỷ giá USD cũng không còn như trước nhờ dự trữ ngoại hối được nâng lên đáng kể sau các đợt bán vốn nhà nước. Có nghĩa là, những khó khăn trước mắt hiện vẫn trong tầm kiểm soát và việc phản ứng của thị trường trong những phiên vừa qua là thái quá.
Quan sát về diễn biến giao dịch trong thời gian gần đây, ông Đặng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS) cho rằng, các phiên giảm đều có khối lượng giao dịch cao hơn mức trung bình. Biên độ dao động cao là các tín hiệu kỹ thuật cho thấy khả năng xu hướng giảm giá còn tiếp tục.
Dòng tiền chủ yếu tập trung vào một nhóm nhỏ cổ phiếu cũng như sự mạnh mẽ vượt trội của các cổ phiếu “đầu tàu” như VIC, VCB, HPG, DXG có thể làm các chỉ số chứng khoán không còn mang tính đại diện, nên việc dự báo xu hướng thị trường ngắn hạn trở lên khó khăn hơn.
Về ngắn hạn, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, các thông tin bên ngoài có thể còn tạo ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài tuần cho đến khi báo cáo vĩ mô và hoạt động kinh doanh 6 tháng công bố.
“Với vùng giá hiện tại, thị trường đã rẻ hơn khá nhiều so với đầu năm và sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II thì các tín hiệu tích cực hỗ trợ sẽ quay lại. Vì vậy, các bước điều chỉnh như hiện nay cũng là cần thiết để thị trường tạo một mặt bằng giá hấp dẫn hơn để đầu tư”, ông Khanh cho biết.
Ngắn hạn, VN-Index khó quay về đáy 916 điểm
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) cho rằng, thị trường đang chịu ảnh hưởng của khá nhiều yếu tố thiếu tích cực, đặc biệt từ các yếu tố vĩ mô liên quan đến tình hình thế giới như việc rút ròng của khối ngoại và những lo ngại về chiến tranh thương mại.
Thực tế, thị trường thế giới cũng đang hứng chịu những phiên giảm điểm mạnh và đặc biệt là các thị trường chứng khoán mới nổi đang ảnh hưởng rất nặng nề.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, yếu tố vĩ mô của quý II của Việt Nam khả năng sẽ không còn đẹp đẽ như quý I với lạm phát có dấu hiệu tăng tốc, GDP giảm tốc, ngành du lịch có dấu hiệu giảm tốc… Vì vậy, trạng thái tâm lý thận trọng là dễ hiểu và điều này khiến cho thị trường thiếu sự tham gia của dòng tiền để nâng đỡ trong lúc khối ngoại bán mạnh. Trong 1 - 2 tháng tới, chứng khoán khó có thể đi lên mạnh.
“Việc thủng vùng hỗ trợ 960 điểm là điều hoàn toàn có thể xảy ra với những diễn biến tâm lý và trạng thái bán mạnh của khối ngoại như hiện tại. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index khó có khả năng xuyên thủng đáy 916 điểm của đợt giảm trước”, bà Lan nhận định.
Thời điểm này, có lẽ kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết là thông tin được chờ đợi nhất để nâng đỡ tâm lý của thị trường. Bên cạnh đó, nếu tình hình căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới dịu bớt thì nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường đã tạo đáy, bất chấp trạng thái bán của khối ngoại có thể tiếp diễn.
Bởi tâm lý thị trường sẽ cải thiện và nhà đầu tư tự tin quay trở lại. Do vậy, xác suất khả năng chỉ số VN-Index quay trở lại mức đáy 916 điểm trong ngắn hạn được cho là thấp hơn.
Sự lên xuống của thị trường chứng khoán là điều bình thường như quy luật vốn có của nó, nhưng nhịp điều chỉnh của thị trường đang diễn ra chóng vánh, đột ngột khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay.
Thị trường đảo chiều là cơ hội tốt để mua mới, tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, nhà đầu tư không cần quá nóng vội trong những phiên giảm điểm đầu tiên, mà có thể giải ngân từng phần theo các nhịp giảm mạnh của chỉ số chứng khoán.