Ngưỡng kháng cự 680 điểm một lần nữa trở thành chiếc xà ngang ngăn chặn đà tăng của chỉ số.
Thị trường đã kết thúc tháng 8 với diễn biến khả quan khi điểm số ở cả 2 sàn đều tăng so với phiên cuối cùng của tháng 7. Sự luân chuyển của dòng tiền giữa các cổ phiếu trụ cột giúp đà tăng khá bền vững.
Tháng 8 đã chứng kiến động thái bán ra mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài, khi bán ròng trên sàn HOSE 18/23 phiên trong tháng, với giá trị bán ròng 1.889 tỷ đồng. Sales & Trading đánh giá, động thái bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng xuất phát từ việc các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục. Do thị trường nắm bắt được động thái bán ra của khối ngoại nên không có yếu tố bất ngờ hay nhận định quá tiêu cực ảnh hưởng đến xu hướng. Trạng thái đón nhận này được thể hiện qua lực cầu của khối nội hấp thu lượng cung của khối ngoại khá tốt.
Với đặc thù tuần giao dịch có ngày nghỉ lễ Quốc khánh ngày 2/9 (thứ Sáu), thanh khoản có phần sụt giảm so với tuần trước đó, thể hiện trạng thái thăm dò và thu hẹp giao dịch của một bộ phận nhà đầu tư để giảm chi phí đòn bẩy tài chính trước kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày.
Một trong những cổ phiếu có diễn biến đáng chú ý là VNM, mã này tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt khi lập đỉnh giá mới 156.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù VNM phát huy rất tốt vai trò dẫn dắt, nhưng dòng tiền trên thị trường thiếu động lực để có thể cùng VNM tạo sự lan tỏa đến nhiều cổ phiếu khác nên tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” của chỉ số chứng khoán được tái diễn. VN-Index đang trong giai đoạn “lình xình” khi trạng thái đi ngang được duy trì trong qua 3 tuần qua. Biên độ 660 - 680 điểm hiện được coi là biên độ chính của VN-Index trong ngắn hạn.
Sau phiên giao dịch 1/9, hai quỹ ETF sẽ công bố danh mục mới cho kỳ tái cơ cấu quý III/2016. Tâm điểm của hai tuần tới dự báo sẽ là cổ phiếu VNM. Với đặc thù là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, trong khi doanh nghiệp đã nới tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 100%, hai quỹ ETF khó có thể bỏ qua cổ phiếu này trong kỳ đảo danh mục tới. VNM có thể sẽ được các quỹ mua vào từ 10 - 12 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, mã HSG có khả năng được khối này mua vào 8 triệu đơn vị. Đây là thông tin tích cực đối với cổ phiếu VNM và HSG, tuy nhiên những mã cổ phiếu trong rổ danh mục hiện tại của các quỹ sẽ phải đối mặt với áp lực bán ra. Một số cổ phiếu như VCB, HPG, STB, KBC, HAG, ITA… có thể sẽ nằm trong diện bán ra một khối lượng không nhỏ.
Trong tuần giao dịch vừa qua, một cổ phiếu khác có diễn biến đáng chú ý là TTF khi trở lại vị trí tâm điểm của thị trường trong bối cảnh thiếu vắng thông tin và thiếu vắng sự bùng nổ của các mã cổ phiếu. TTF tăng giá trần 8 phiên liên tiếp (từ ngày 22/8 - 30/8) sau chuỗi giảm sàn 24 phiên trước đó. Dù có kết quả kinh doanh quý II/2016 thua lỗ, nhưng dường như câu chuyện của TTF ở thời điểm hiện tại không phản ánh kết quả kinh doanh, mà liên quan đến kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF sắp tới. Có thể TTF được đẩy giá lên trên ngưỡng 11.000 đồng/CP để đáp ứng tiêu chuẩn vốn hóa nhằm được ở lại rổ FTSE (phiên 1/9, cổ phiếu TTF giảm giá sàn, đóng cửa tại 12.500 đồng/CP).
Với trọng tâm là hoạt động của hai quỹ ETF trong hai tuần tới, Sales & Trading sẽ ưu tiên đầu tư nhóm cổ phiếu không nằm trong danh sách sở hữu hiện tại của hai quỹ, mà thiên về cổ phiếu được hưởng lợi từ sự kiện này như VNM, HSG. Một số cổ phiếu nhóm ngành vật liệu xây dựng như VIT, BCC, HUT, VCG, CTD; bên cạnh đó là các cổ phiếu nằm trong danh mục thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) như VNM, BMP, NTP, BMI. Thời điểm tham gia là lúc thị trường điều chỉnh về vùng giá 660 điểm.