Cụ thể, VN-Index đóng cửa tuần qua với mẫu nến “búa ngược” tại 1.241,48 điểm, tăng 1,42% so với cuối tuần trước đó. Diễn biến tăng điểm không trọn vẹn cho thấy tâm lý giao dịch có phần lưỡng lự khi áp sát về vùng phân phối ngắn hạn quanh 1.240 điểm. Ngoài ra, áp lực bán ròng “mạnh tay” từ khối ngoại, ghi nhận mức âm 1.278,5 tỷ đồng, cũng là yếu tố đè nén chỉ số trong tuần qua.
Trên phương diện kỹ thuật, xu hướng tích cực trung hạn được giữ vững. Áp lực cung không đáng kể, thị trường vẫn ghi nhận đà xanh điểm và neo trên vùng “khoảng trống” tăng giá. Trạng thái điều chỉnh nhẹ gần đây là cần thiết khi chỉ số đã ghi nhận đà phục hồi “không nghỉ”, giúp kiểm chứng vị thế giao dịch ngắn hạn để củng cố xu hướng lớn. Tạm thời, dòng tiền ngắn hạn chưa sẵn sàng vượt đỉnh, dẫn đến xu hướng tuần này được kỳ vọng tích lũy trở lại trong biên độ hẹp quanh 1.220 - 1.245 điểm.
Một điểm cộng khác là dòng tiền luân phiên “mượt mà” trên nhiều nhóm ngành và ghi nhận thanh khoản giao dịch gia tăng; từ nhóm vốn hóa lớn như bất động sản, chứng khoán, đến nhóm vốn hóa nhỏ hơn như dầu khí, thép, phân bón, dệt may... đều lần lượt vượt đỉnh ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu “vua” là ngân hàng vẫn gây thất vọng khi chưa có dòng tiền dẫn dắt rõ ràng.
Bức tranh vĩ mô có phần “tươi sáng” hơn: đồng thuận xu hướng phục hồi của Mỹ và Trung Quốc, chỉ số PMI Việt Nam đạt ngưỡng 50,5 điểm, dấy lên nhiều kỳ vọng về sự phục hồi trở lại của ngành sản xuất.
DSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân ngắn hạn với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, lựa chọn các cổ phiếu đang tích lũy.
Điểm nhấn thông tin: Thông tư 06/2023/TT-NHNN tác động như thế nào?
Thông tư 06/2023 sửa đổi Thông tư 39/2016 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9, đem tới “làn gió mới” thổi vào hệ thống ngân hàng, vốn có tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong 8 tháng đầu năm, đạt 5,33%. Thông tư 06 mở rộng đối tượng được phép vay trả nợ ngân hàng khác, kể cả đối với mục đích phục vụ nhu cầu khác, ngoài mục đích sản xuất - kinh doanh. Thông tư sửa đổi dường như đã đánh đúng vào đối tượng có nhu cầu “đảo nợ”, khi nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh chưa phục hồi rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu.
Chúng tôi nhận thấy nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất 0,5 - 1%/năm với các khoản vay hiện hữu và vay mới. Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB, BIDV… đã triển khai gói lãi suất vay quanh mức 7 - 8%/năm, ưu đãi trong năm đầu tiên. Đối tượng “đảo nợ” thành công sẽ người hưởng lợi trước tiên. Doanh nghiệp hay cá nhân cảm giác “tự dưng giàu lên” do giảm bớt chi phí tài chính hằng tháng, kỳ vọng sức cầu toàn nền kinh tế được phục hồi.
Tuy nhiên, để Thông tư 06 áp dụng vào thực tiễn là không dễ dàng bởi đối tượng có nhu cầu “đảo nợ” thường có rủi ro tín dụng cao và khi vay vẫn phải bổ sung tài sản đảm bảo (thường là bất động sản). Có thể hiểu, người đi vay khó tiếp cận gói vay thấp nhất và vẫn sẽ cân nhắc giữa quyền lợi so với những loại phí phạt phải trả trong ngắn hạn.
Nhìn chung, Thông tư 06 gây áp lực với nhiều ngân hàng phải có mức điều chỉnh tương đối nhằm “giữ chân” khách hàng, từ đó tạo động lực cho môi trường lãi suất cho vay trung bình hạ nhiệt.
Ảnh hưởng của chính sách này tới ngành ngân hàng vừa có mặt lợi và hại. Việc hỗ trợ tái cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp và cá nhân, giúp giảm tốc độ gia tăng nợ xấu toàn ngành và lãi suất có xu hướng hạ nhiệt, góp phần tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, một số ngân hàng có chi phí huy động cao sẽ chịu áp lực biên lợi nhuận ròng thu hẹp trong ngắn hạn.
Do đó, DSC khuyến nghị, những ngân hàng có năng lực quản trị tốt, chất lượng tài sản an toàn, đặc biệt chi phí và tăng trưởng huy động ở mức ổn định trong thời gian vừa qua là lựa chọn đầu tư lý tưởng. Cổ phiếu đáng quan tâm là CTG, ACB, MBB.