VN-Index: Đỏng đảnh vì đâu?

(ĐTCK-online) Không ngờ thị trường xoay chiều nhanh đến thế, không ai nghĩ chiếc bóng của Dow Jones tác động mạnh mẽ TTCK Việt Nam đến vậy.

Lỡ nhịp

Sau phiên giao dịch 14/10, Trưởng bộ phận nghiên cứu của CTCK HSC, ông Fiachra Mac Cana đã gửi đi thông điệp: "Thị trường đã đảo chiều và chúng ta chứng kiến sự hồi phục ít nhất trong vài phiên nữa. Về mặt kỹ thuật, chúng ta đã thấy đáy kép, một dấu hiệu rất tốt. Thậm chí, thị trường có thể đã tìm được đáy trong dài hạn… NĐT cố gắng vào thị trường với mức giá hiện nay nếu có thể". Tuy nhiên, trong ngày kế tiếp, góc nhìn của vị chuyên gia này trầm ngâm hơn: "Về ngắn hạn, để thị trường trong nước tăng điểm thì phố Wall phải tiếp tục đi lên"…

Nhưng không ngờ thị trường xoay chiều nhanh đến thế, không ai nghĩ chiếc bóng của Dow Jones lại có thể tác động mạnh mẽ TTCK Việt Nam nhiều như vậy. Sau phiên bùng nổ ngày 14/10, những tưởng VN-Index có một cuộc bứt phá ngoạn mục vượt xa ngưỡng tâm lý 400 điểm, nhưng không, các chỉ số chứng khoán Mỹ hôm trước có bước ngập ngừng giảm nhẹ sau phiên tăng điểm lịch sử hơn 70 năm qua, khiến VN-Index đóng cửa chỉ tăng hơn 7,82 điểm vào ngày 15/10; trong phiên giao dịch ngày 16/10, các NĐT mang tâm trạng hồi hộp khi ngưỡng tâm lý 400 điểm đã cận kề. Đêm 15/10, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh: chỉ số S&P 500 giảm 9%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 7,9%, chỉ số Nasdaq giảm 8,5%. Như một sự đồng nhịp, đợt khớp lệnh mở cửa TTCK Việt Nam sáng 16/10 VN-Index giảm 16,71 điểm (4,2%), về cuối phiên có sự phục hồi nhẹ, nhưng cũng giảm 12,5 điểm (3,16%).

Nhà ĐTNN - nhiều sắc thái

Những ngày qua, song song với diễn biến của TTCK Mỹ, hoạt động của các nhà ĐTNN cũng rất được chú ý. Theo số liệu thống kê từ Sở GDCK TP. HCM trong nửa đầu tháng 10, khối lượng mua của khối này là 17 triệu đơn vị, tương ứng với 50 triệu USD, khối lượng bán là 36 triệu đơn vị, tương ứng với 93 triệu USD.

Giá cổ phiếu đã xuống rất thấp, vậy tại sao nhà ĐTNN bán ra? Câu trả lời cảm tính nhất là nhà ĐTNN cũng có dăm bảy loại: về thời gian, có các NĐT ngắn hạn và dài hạn; về thành phần cũng có NĐT cá nhân hoặc NĐT tổ chức; trong lượng cổ phiếu bán ra, có các khoản đầu tư khối này phải cắt lỗ cũng có khoản chốt lời.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đến thời điểm 30/9/2008 đã có 831 tổ chức tài chính nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán, gấp gần 5 lần so với thời điểm tháng 6/2006. Khoảng 250 tổ chức đã tham gia mua - bán trực tiếp cổ phiếu, trong đó có các tên tuổi lớn như Citigroup, Deustche Bank, JP Morgan… Số còn lại đang trong quá trình nghiên cứu, hoặc chỉ đầu tư vào các DNNN lớn cổ phần hóa. Đồng thời, đại diện của các quỹ lớn hoạt động lâu năm như Dragon Capital, VinaCapital vẫn mạnh mẽ khẳng định tiếp tục gắn bó và đầu tư lâu dài tại TTCK Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phận phân tích của CTCK Bản Việt nhận định, việc bán ra của khối nhà ĐTNN có rất nhiều lý do, một trong những lý do "hơi cũ" là tái cơ cấu danh mục đầu tư. Theo bà Hoa, trước những khó khăn thời gian qua, ưu thế và yếu điểm của từng công ty đã lộ diện khá rõ cùng với khả năng ứng phó xoay chuyển khác nhau của lãnh đạo các doanh nghiệp. Các khoản đầu tư lý tưởng cách đây 6 tháng có thể không còn hấp dẫn khi xuất hiện các nhân tố mới. Ở góc khác nhìn khác, theo bà Hoa, một số quỹ sau một thời gian hoạt động ở Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn về các doanh nghiệp, họ tái cơ cấu lại danh mục ở vùng đáy. Nhà ĐTNN có thể bán các cổ phiếu có khả năng sinh lời thấp, chuyển sang cổ phiếu tiềm năng hơn, khi tất cả các cổ phiếu đều giảm theo xu hướng chung.

Lý giải việc nhà ĐTNN bán ra một số cổ phiếu có tính thanh khoản cao, ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt nhận định, tại TTCK Việt Nam có một số quỹ mở nhưng không nhiều. Các quỹ hiện nay có thể gặp khó khăn khi các thành viên góp vốn đề nghị bán lại chứng chỉ quỹ. Sự thiếu hụt tiền mặt để thực hiện cam kết mua lại chứng chỉ quỹ khiến các quỹ này phải bán ra một số chứng khoán và để mau chóng chuyển hoá cổ phiếu thành tiền, họ phải chọn bán ra các chứng khoán thanh khoản nhất. Về khả năng nước ngoài rút vốn trên diện rộng, ông Hải loại trừ do biên độ giao dịch bị giới hạn và sức cầu nội không lớn ngăn cản nhà ĐTNN thực hiện việc này một cách mau lẹ.

Giám đốc một CTCK cho rằng, việc bán ra nhiều cổ phiếu của nhà ĐTNN có nhiều lý do "tế nhị". Một số quỹ tên tuổi hoạt động tại Việt Nam 5 - 6  năm nhưng đã lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt, họ bán ra cổ phiếu để duy trì lượng tiền mặt nhất định. Cá biệt trong phiên giao dịch ngày 14/10, họ bán ra gần một triệu đơn vị cổ phiếu của một công ty ngành tiêu dùng do mất lòng tin về hoạt động quản trị của doanh nghiệp sau ĐHCĐ bất thường vào tháng trước. Đồng thời, vị giám đốc này nhìn nhận, nếu nhà ĐTNN liên tục bán ra trong vài ngày tới với động thái như trên thì có thể liên tưởng đến bóng dáng một cuộc đầu cơ giá xuống, chứ không phải là việc rút vốn.    

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục