Điểm nổi bật trong nhóm trụ là cổ phiếu VHM, trong tuần qua tăng 5,7%, lên 83.000 đồng/cổ phiếu và đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index. Cổ phiếu VHM tăng trong bối cảnh giá trước đó có diễn biến đi ngang kể từ tháng 7/2020, trong khi nhiều cổ phiếu trụ khác chạm đỉnh năm 2019.
Chính vì vậy, khi VN-Index tiến lên vùng đỉnh năm 2019, nhà đầu tư có động thái chốt lời tại một số cổ phiếu trụ khác và dịch chuyển dòng tiền sang các cổ phiếu chưa tăng nhiều như VHM.
Nguồn: FireAnt. |
Xét theo nhóm ngành, tuần qua có điểm sáng ở nhóm khu công nghiệp và dầu khí. Động thái dịch chuyển nhà máy của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia sang Việt Nam và cơ hội từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu khu công nghiệp.
Chẳng hạn, thị trường vừa đón nhận thông tin Foxconn Technology Group sẽ chuyển việc sản xuất một phần linh kiện iPad và MacBook của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam. Foxconn là một trong những nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn nhất thế giới, sự chuyển dịch này nhằm mục đích giảm thiểu ảnh hưởng từ nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tái diễn. Trước đó, Foxconn đã công bố đầu tư mới vào Việt Nam 270 triệu USD.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đồng loạt tăng giá: BCM tăng 13,5%, LHG tăng 12,2%, D2D tăng 9,8%, SZC tăng 3,5%, SZL tăng 2,5%...
Với nhóm dầu khí, động lực tăng giá là giá dầu thế giới bật tăng, giúp cổ phiếu PVD tăng 4,3%, GAS tăng 2,1%, PVS và PLX cùng tăng 1,4%. Tuần trước đó, giá cổ phiếu GAS tăng 11,3%, PVD tăng 6,8%, PVS tăng 4,7%.
Giá dầu tăng khi giới đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế sau khi liên tiếp có các hãng dược phẩm của Mỹ công bố hiệu quả sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Ngoài ra, các hãng dược tại Nga, Trung Quốc cũng đều có các thông tin tích cực về vắc-xin.
Một điểm đáng lưu ý trong diễn biến giao dịch là động thái doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ và cổ đông lớn, cổ đông nội bộ thoái vốn.
Chẳng hạn, Quỹ PENM III đăng ký bán toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu HPG; DIG dự kiến bán ra toàn bộ 8,26 triệu cổ phiếu quỹ; GTN dự kiến bán ra toàn bộ 1 triệu cổ phiếu quỹ; Dragon Capital vừa bán 518.280 cổ phiếu FRT; Công ty cổ phần Đầu tư Sao Á D.C đăng ký bán 1,25 triệu cổ phiếu VSC; Thaco đăng ký bán toàn bộ 31,4 triệu cổ phiếu HVG; Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký bán 30 triệu cổ phiếu HSG; Quỹ VI (Vietnam Investments) Fund II, L.P đăng ký bán toàn bộ 42,9 triệu cổ phiếu GMD…
Trong khi đó, khối nhà đầu tư nước ngoài sau một tuần bất ngờ mua ròng đã quay trở lại bán ròng trong tuần qua với giá trị gần 222 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng HDB 431,4 tỷ đồng, HPG 150,8 tỷ đồng, MSN 122,8 tỷ đồng…; ngược lại, họ mua ròng VRE 160 tỷ đồng, VNM 126,7 tỷ đồng, FUEVFVND 105,5 tỷ đồng…
Hiện tại, VN-Index đang trong vùng kháng cự mạnh kể từ tháng 10/2018 tới nay là 1.000 - 1.026 điểm. Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang lạc quan, có thể giúp chỉ số vững vàng trong vùng kháng cự này, nhưng thách thức và áp lực cũng không nhỏ.
Thông thường, đối với chỉ số nói chung và cổ phiếu nói riêng, khi tiếp cận lại vùng đỉnh, vùng kháng cự mạnh, giới đầu tư thường chọn hình thức giảm tỷ trọng cổ phiếu, bán ra chốt lời nhằm bảo vệ thành quả và kỳ vọng sẽ mua lại ở mức giá thấp hơn.
Vì vậy, việc thị trường tiếp tục tăng mạnh, vượt đỉnh trong thời gian ngắn ít có khả năng xảy ra. Thay vào đó, thị trường nhiều khả năng sẽ có một vài đợt “rung lắc”, điều chỉnh tích lũy trước khi có “chất xúc tác” để tiến lên mức điểm cao hơn. Chính vì vậy, không ít nhà đầu tư chọn kịch bản an toàn là quan sát, chờ đợi tín hiệu thị trường hơn là mua đuổi.
Hiện tại, theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đang trong vùng quá mua, thể hiện ở chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) quanh mức 70 điểm, báo hiệu chỉ số ở vùng đỉnh và có khả năng sắp điều chỉnh.