VN-Index có thể tạo đỉnh mới

(ĐTCK) “Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tạo mức cao mới trong vùng 620 - 640 điểm. Cổ phiếu nhóm công ty sắt thép đang là lựa chọn ưa thích nhất của tôi”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích, CTCK MayBank KimEng (MBKE) chia sẻ. 

Vài phiên gần đây, VN-Index trụ lại trên ngưỡng 600 điểm. Theo ông, liệu VN-Index có khả năng bứt phá cao hơn ngưỡng này trong thời gian tới?

Theo đánh giá của MBKE, TTCK, cụ thể hơn là VN-Index đã có sự cải thiện khi chỉ số này bứt phá thành công ngưỡng 580 điểm trong những phiên cuối tháng 4. 580 điểm là ngưỡng kháng cự khiến VN-Index gặp rất nhiều khó khăn suốt từ cuối năm 2015.

Sau khi vượt ngưỡng kháng cự kỹ thuật quan trọng 580 điểm, VN-Index tiến đến vùng giá mang yếu tố tâm lý nhiều hơn là khu vực 600 điểm. Hiện chỉ số đang dao động xung quanh khu vực này. Dự báo, thị trường cần thêm thời gian để tích lũy, làm quen với mặt bằng giá mới vừa đạt được. Về mục tiêu ngắn hạn, tôi cho rằng, có khả năng VN-Index sẽ tạo mức cao mới từ 620 - 640 điểm.

Ông Nguyễn Thanh Lâm 
Thời gian qua, dòng vốn ngoại có vai trò dẫn dắt thị trường và gần đây khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, nhất là cổ phiếu ngân hàng. Ông có nhận định gì về động thái giao dịch của khối ngoại?

Giao dịch của khối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực từ nửa cuối tháng 3, khi khối này bắt đầu tiết chế bán ròng và chuyển dần sang trạng thái mua ròng sau đó. Nếu tính riêng khớp lệnh tại HOSE từ đầu tháng 4 đến nay, các NĐT nước ngoài đã mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng, một con số đáng kể nếu so với trạng thái bán ròng liên tục trong các tháng trước đó. Đây rõ ràng là một tác nhân quan trọng giúp ổn định tâm lý thị trường và góp phần vào sự đi lên của VN-Index trong giai đoạn vừa qua.

Vẫn như thường lệ, dòng vốn của các NĐT nước ngoài khi tìm đến thị trường Việt Nam thường được giải ngân vào các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản cao, trong đó có nhóm ngành ngân hàng.

Nhận định về giao dịch của khối ngoại trong tháng 5, tôi tin tưởng, trạng thái mua ròng sẽ tiếp tục là chiều hướng chủ đạo của các NĐT ngoài do định giá tại TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn trong tương quan so sánh với bình diện chung của khu vực. Trong khi đó, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện nới room trong thời gian tới. Đây cũng là lý do khiến chúng tôi tin tưởng vào chiều hướng tích cực của dòng vốn ngoại. 

Theo ông, TTCK tháng 5 sẽ có diễn biến khả quan, dù vẫn có những quan ngại về câu châm ngôn “Sell in May” (bán trong tháng 5 và đi chơi”?

Thuật ngữ “Sell in May” xuất phát từ thống kê lịch sử hoạt động của thị trường tài chính thế giới, tháng 5 thường là giai đoạn không thuận lợi cho việc giao dịch trên thị trường. Với TTCK Việt Nam, xét từ năm 2010 đến nay, cần nhìn nhận điều này có hiệu ứng nhất định trong diễn biến của thị trường. Dù vậy, cũng cần có cái nhìn khách quan về mức độ ảnh hưởng của hiệu ứng này, thật sự thị trường đã có diễn biến xấu trong tháng 5 của các năm 2010, 2011, 2012 (với các mức giảm tương ứng trong tháng 5 là 6,4%, 12,2% và 9,4%).

Ở 3 năm tiếp theo, hiệu ứng “Sell in May” dành cho TTCK Việt Nam có phần mờ nhạt khi trong tháng 5/2013, VN-Index ghi nhận mức tăng 9,2%; tháng 5/2014 và tháng 5/2015, chỉ số gần như đi ngang (giảm 2,8% trong tháng 5/2014 và tăng 1,3% trong tháng 5/2015).

Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, năm nay, khả năng thị trường sẽ có một kịch bản “tích cực nhẹ” trong tháng 5. Xét về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong một xu hướng tăng và khối ngoại chưa có dấu hiệu thay đổi trạng thái mua ròng hiện nay.

Xu hướng trên sẽ phân bổ đều lên các nhóm cổ phiếu, hay có sự phân hóa, theo ông?

Tôi nghiêng về kịch bản phân hóa cao trong giai đoạn tới. Dù nhìn nhận xu hướng ngắn hạn hiện nay của VN-Index là tăng điểm, nhưng điểm trừ cần nói đến chính là thanh khoản. Dòng tiền trên thị trường cho đến hiện tại vẫn không quá mạnh mẽ khi chỉ xấp xỉ mức trung bình 50 ngày (cho thấy sự mở rộng của dòng tiền vẫn chưa rõ ràng). Với sức hoạt động hiện nay của dòng tiền trên thị trường, khó có khả năng ghi nhận sự tăng giá đồng loạt tại tất cả mã cổ phiếu trên thị trường.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa cao, có giao dịch “thuận chiều” của khối ngoại để hưởng lợi một phần từ lực đỡ của các NĐT nước ngoài vốn đang khá mạnh trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó là các nhóm ngành được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi đột biến (theo chiều tích cực) về mặt kinh doanh của các công ty trong ngành.

Với trường hợp này, nhóm công ty sắt thép đang là lựa chọn ưa thích nhất của tôi cho giai đoạn quý II/2016 khi đây là nhóm được hưởng lợi kép từ câu chuyện thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, có hiệu lực từ cuối tháng 3/2016, đi kèm với nhu cầu tiêu thụ tiếp tục được kỳ vọng tăng mạnh trong năm 2016.

Phan Hằng thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục