VN-Index chịu áp lực điều chỉnh, ngành thủy sản phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tuần qua, VN-Index tiếp diễn đà giảm từ tuần trước đó khi giảm 2,45%, lùi sát ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm.
VN-Index chịu áp lực điều chỉnh, ngành thủy sản phục hồi

VN-Index chịu áp lực điều chỉnh

Trong đợt giảm này, sắc đỏ lan rộng đến nhiều nhóm ngành, nhất là các nhóm vốn hóa lớn. Nếu như cuối tháng 9 và đầu tháng 10, thị trường được dẫn dắt bởi nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là VN30, thì trong tuần qua chịu áp lực giảm mạnh. Trong đó, nhóm ngân hàng là tác nhân đóng góp lớn nhất vào đà giảm của VN-Index, bên cạnh nhóm dịch vụ tài chính và hóa chất. Nhóm bất động sản vẫn thu hút dòng tiền, nhưng chưa thể đóng vai trò bệ đỡ cho thị trường chung.

Tâm lý thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại vi như áp lực tỷ giá tăng, khiến VN-Index nhiều khả năng tiếp tục kiểm tra vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm. Các phiên trong tuần này, chỉ số có thể sẽ dao động giằng co khi gặp ngưỡng hỗ trợ mạnh và dần ổn định trở lại với sự xuất hiện của lực cầu.

Trong bối cảnh VN-Index đang chịu áp lực giảm, nhà đầu tư cần giữ tâm lý cẩn trọng và tránh giải ngân mạnh tay. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để mở vị thế mua thăm dò với những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và đang thu hút dòng tiền tốt. Nhà đầu tư có thể xem xét nhóm ngân hàng (ACB, MBB, STB), bán lẻ (MWG, FRT), công nghệ thông tin (FPT), vật liệu xây dựng - thép (HPG) để tích lũy từng phần.

Ngành thủy sản phục hồi

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình xuất khẩu thủy sản có những chuyển biến tích cực, phản ánh sự phục hồi sau các thách thức trong những năm trước. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các thị trường lớn và sự phục hồi của ngành thủy sản sau đại dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, với các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng ấn tượng, nhờ vào sự phục hồi của nhu cầu từ các thị trường truyền thống như Mỹ và EU.

Mỹ là thị trường lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang EU cũng tăng trưởng mạnh, nhờ vào việc các nhà nhập khẩu tăng cường nhập khẩu các sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Nhu cầu từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, cũng góp phần vào sự tăng trưởng này.

Đà tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu thủy sản đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, khi báo cáo về doanh thu, lợi nhuận quý III/2024 của VHC hay ANV cho thấy mức tăng trưởng cao.

Chúng tôi cho rằng, biên lợi nhuận của nhóm thủy sản có thể tiếp tục được cải thiện khi nhu cầu thế giới gia tăng hỗ trợ cho giá bán, trong khi giá thức ăn đầu vào có xu hướng ổn định hơn. Tuy các sản phẩm thủy sản của Việt Nam bị cạnh tranh bởi các quốc gia Nam Mỹ và châu Á khác, nhưng nhu cầu thế giới đang được kỳ vọng phục hồi mạnh có thể giúp cho các doanh nghiệp thủy sản quay trở lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục