Mức hỗ trợ khó tìm
Thực tế cho thấy, những phiên đổi chiều đi ngang trong quá khứ có thể làm cơ sở cho việc xác định mức hỗ trợ, nhưng nó chủ yếu đúng đối với một thị trường đang nằm trong xu thế xuống giá. Còn đối với thị trường trong xu thế lên giá thì việc xác định mức này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đôi khi theo cảm tính của nhà phân tích. Trong quá trình đi xuống, khi thị trường dừng lại bởi một khối lượng cầu lớn mua chặn lại và bắt đầu chuyển động sang ngang, lúc đó người ta gọi là thị trường chạm hoặc va vào bức tường hỗ trợ. Còn những phiên dừng lại hay bật lên rồi tiếp tục đi xuống thì không thể gọi là ngưỡng hỗ trợ.
Một số ý kiến cho rằng, VN-Index thời gian qua có diễn biến bất thường khi "các phân tích kỹ thuật gần đây bị vô hiệu hoá trước những yếu tố bất thường mang đến cho thị trường, bằng chứng là các phiên giao dịch vừa qua, VN-Index đã xuyên thủng dễ dàng các ngưỡng hỗ trợ mạnh tại mốc 600 - 550 điểm". Liên quan đến sự thất thường này, các chuyên gia của Công ty Tư vấn đầu tư S&D nhận xét, sự tăng giảm đan xen làm cho các NĐT ngắn hạn gần như mất phương hướng, trong khi NĐT dài hạn thì không dám mạo hiểm đầu tư lớn.
Theo người viết, khó có thể coi 600 hay 550 điểm là ngưỡng hỗ trợ của VN-Index. Bởi vì, sau khi đạt 624,1 điểm vào ngày 22/10, VN-Index có xu hướng giảm liên tục xuống 524,4 điểm. Còn trước đó, kể từ khi TTCK được thành lập, VN-Index chưa lần nào kết thúc xu hướng giảm bằng việc chạm mức 600 điểm và bật lên. Mức 550 điểm cũng tương tự như vậy, ngoại trừ đợt điều chỉnh ngắn hạn từ trên 580 điểm ngày 22/9 xuống 549 điểm ngày 15/10, sau đó bật lên mức đỉnh 624,1 điểm ngày 22/10. Có lẽ, ngưỡng hỗ trợ mạnh 600 - 550 điểm của VN-Index trong một số nhận định thời gian qua chỉ là "ngưỡng tâm lý", chứ không phải là ngưỡng hỗ trợ thật sự trong phân tích kỹ thuật.
Trên thực tế, tại mức kháng cự 510 điểm hồi đầu tháng 6, VN-Index bắt đầu điều chỉnh giảm. Sau khi mất gần 100 điểm, chỉ số này lên xuống vài phiên rồi tiếp tục xu hướng tăng. Mức mua chặn sau khi rớt gần 100 điểm (xem điểm A trên đồ thị) liệu có hình thành quy luật tâm lý chung trên TTCK Việt Nam cho các nhà phân tích trong việc xác định mức hỗ trợ trong xu thế lên giá hiện nay?
Kỳ vọng bật lên
Sau khi rớt mạnh trong nhiều phiên từ khi đạt đỉnh 624,1 điểm ngày 22/10, VN-Index đã có biểu hiện dừng lại tại vùng 525 - 540 điểm (xem điểm B trên đồ thị). Những phiên nhấp nhô chuyển động đi ngang báo hiệu thị trường đã chạm mức hỗ trợ. So với đợt rớt giá trước đây (điểm A trên đồ thị), thì mức chặn giá lần này có mô hình khá giống. VN-Index cũng dừng lại sau khi rớt gần 100 điểm (so với mức đỉnh) và chuyển động sang ngang. Điều này mang lại hy vọng lớn cho nhiều NĐT với khả năng thị trường tiếp tục xu thế đi lên sau vài phiên điều chỉnh tích luỹ.
Thực tế, không phải mức dừng lại và chuyển động sang ngang của chỉ số lần nào cũng là mức hỗ trợ. Nó chỉ có thể gọi là hỗ trợ khi thị trường tiếp tục lên giá sau quá trình điều chỉnh tích luỹ. Những phiên nhấp nhô đi ngang thường có khối lượng giao dịch thấp do cung cầu tương đối cân bằng, tâm lý mua bán giằng co. Người mua không chịu mua giá cao, người bán không chịu bán giá thấp. Những phiên giằng co này kéo dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tâm lý và những thông tin tốt xấu trên thị trường. Có thể gọi đây là những phiên giao dịch nhạy cảm. NĐT có kinh nghiệm thường phải để lượng tiền - hàng nhất định để chống rủi ro, thông thường là 50 - 50. Khi thị trường chạm bức tường hỗ trợ, khó có thể đoán ngay được xu thế tiếp theo của thị trường. Những phiên chuyển động đi ngang thường tạo ra các mô hình, căn cứ vào mô hình đã được định dạng, nhà phân tích mới đoán được xu thế tiếp theo của thị trường. Nhiều khi mô hình được định dạng chỉ là những tín hiệu giả chuyển động không theo quy luật thông thường. Tại mức hỗ trợ 420 - 440 điểm trước đây, VN-Index đã định dạng nên mô hình tam giác vuông. Tại góc của tam giác, VN-Index rớt mạnh và sâu, nhưng điều đó lại tạo đà cho quá trình lên giá tiếp tục.
Hiện VN-Index vẫn trong xu thế tăng điểm dài hạn. Với tình hình kinh tế đang phục hồi hiện nay, khó tìm được lý do để các tổ chức đầu tư bán tháo cổ phiếu. Nếu chỉ vì những bài học đầu tư dài hạn không thành công trong quá khứ mà họ bán ra để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, thì rất có thể trong tương lai họ sẽ vấp phải những vòng đầu tư luẩn quẩn như những NĐT cá nhân ngắn hạn. Còn trong ngắn hạn, quá trình đấu giá giữa bên mua và bên bán tại những phiên điều chỉnh nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc, NĐT cần theo dõi kỹ để phán đoán hướng đi tiếp theo của thị trường.