VN-Index có thể bình lặng trong tuần cuối năm
Cuối tuần qua, VN-Index đóng cửa trong sắc xanh tại 1.103 điểm, nhưng mức tăng không đáng kể, nên chỉ số tương đương với mức mở cửa đầu tuần. Tuy diễn biến giá của cả tuần đứng yên tại tham chiếu, nhưng diễn biến trong phiên có sự xoay chuyển khá tích cực. Theo đó, VN-Index đã chấm dứt đà giảm liên tiếp từ đầu tháng 12 khi kiểm nghiệm thành công vùng hỗ trợ 1.075 - 1.085 điểm.
Về thanh khoản của thị trường, giá trị giao dịch mỗi phiên suy giảm, xoay quanh 12.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên, đưa đến giá trị giao dịch trung bình gần 13.000 tỷ đồng/phiên, giảm đáng kể so với mức trung bình 20 phiên gần nhất. Sự sụt giảm của thanh khoản đến tự nhiên từ chu kỳ giao dịch của thị trường trở nên bớt sôi động khi gần đến kỳ nghỉ lễ, cùng với sự thận trọng tăng dần khi có nhiều thông tin sẽ được công bố vào tuần cuối năm.
Mặt khác, một lý do ngoài dự kiến khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong 3 tháng qua, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm 2023 lên gần 23.000 tỷ đồng. Động thái bán ròng kéo dài của khối ngoại trong khi chưa có dấu hiệu sẽ mua ròng trở lại trong giai đoạn sắp tới gây nên sự suy giảm chung về thanh khoản của VN-Index.
Với bối cảnh về thời gian, khi VN-Index hướng đến tuần cuối năm 2023 dự kiến có nhiều thông tin/sự kiện vĩ mô, chỉ số có khả năng duy trì xu hướng đi ngang trong biên độ 1.075 - 1.125 điểm.
Ngành thép có tín hiệu phục hồi
Trong hơn một tháng trở lại đây, ngành thép trong nước có 3 đợt tăng giá, với mức tăng mỗi lần từ 150 - 200 đồng/kg, tổng cộng tăng khoảng 3,6%.
Về phía giá nguyên liệu, giá quặng sắt đang có xu hướng tăng, khi ngành sản xuất thép toàn cầu kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu thép trong năm 2024. Việc giá quặng sắt tăng đã phần nào tác động đến chi phí đầu vào, khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán.
Về phía cầu, thị trường vật liệu xây dựng nói riêng cũng như thị trường thép nội địa nói chung có sự cải thiện, được hỗ trợ bởi sự tăng tốc trong giải ngân đầu tư công và sự hồi phục một phần của thị trường bất động sản ở phân khúc trung bình thấp.
Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng, xu hướng phục hồi của thị trường thép sẽ tiếp diễn, nhưng tốc độ có thể chậm do các khó khăn của thị trường bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để.
Mặc dù vậy, ngành thép nhìn chung có triển vọng sáng hơn, dựa vào các yếu tố như đầu tư công giai đoạn 2024 - 2025 sẽ được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hút dòng vốn FDI theo xu hướng chuyển dịch đầu tư của thế giới; mức nền tốt của mảng xuất khẩu thép trong năm 2023 có thể được duy trì trong năm 2024 nhờ vào sự phục hồi của nhu cầu thế giới và việc một số nền sản xuất thép lớn vẫn đang trong thời kỳ cắt giảm sản lượng sau giai đoạn suy thoái.
Trong tháng 11/2023, sản lượng tiêu thụ thép tăng 13,1% so với tháng 10 và tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế 11 tháng chỉ giảm 5,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu thép của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 29% so với cùng kỳ năm 2022, thị trường chính vẫn là Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Trung Quốc. Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá ngành thép có triển vọng tích cực khi đưa ra dự báo, tổng tiêu thụ thép năm 2024 có thể tăng 7% so với năm 2023.
Đối với các doanh nghiệp thép, việc giá nguyên liệu và giá bán có xu hướng tăng có thể giúp các công ty được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ. Trong đó, các doanh nghiệp đầu ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng giá. Kết quả của xu hướng tăng giá bán thép có thể được thể hiện qua việc cải thiện biên lợi nhuận của nhóm các doanh nghiệp ngành thép trong quý IV/2023 và quý I/2024. Chúng tôi kỳ vọng, biên lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục được cải thiện cho đến nửa sau năm 2024, khi kinh tế thế giới dự kiến bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi.