Lý do của sự chậm trễ này một phần được lý giải là do việc thanh lý hợp đồng BCC với đối tác Comvik (Thuỵ Điển) chưa hoàn toàn chấm dứt. Phía Comvik đã ký vào biên bản thanh lý hợp đồng nhưng các thủ tục hoàn thành việc thanh lý lại chưa được hoàn tất. Mặc dù vậy, đây chưa phải là lý do chính, mà theo các chuyên gia, sự chẫm trễ trong cổ phần hoá VMS MobiFone còn nằm ở sự quan ngại về lợi ích mang lại từ cổ phần hoá. Hiện tại, doanh thu của VMS MobiFone và VinaPhone đang chiếm khoảng trên 60% tổng doanh thu của cả Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Trong khi số lượng lao động của cả hai công ty viễn thông này chỉ chiếm chừng 5,5% tổng lao động của VNPT. Như vậy, sau khi cổ phần hoá VMS MobiFone, VNPT sẽ thu được gì?
Hiện có khoảng gần 20 tập đoàn và các công ty viễn thông lớn của nước ngoài đang trông chờ kế hoạch cổ phần hoá của VMS MobiFone. Trong đó, có những tập đoàn và công ty lớn như VodaFone, Bristish Telecom, Telenor , France Telecom…
Theo tiết lộ của vị quan chức trên, tỷ lệ cổ phần phát hành ra công chúng lần đầu tiên của VMS MobiFone sẽ không ít hơn 20% và theo phương thức đấu giá. Còn tỷ lệ cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược chưa được xác định cụ thể nhưng sẽ nằm trong con số 80% cổ phần còn lại. Vị quan chức trên cũng cho biết, có thể dựa trên phương án cổ phần hoá của VMS, Chính phủ sẽ ban hành một văn bản cụ thể về mức sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông nói chung hay VMS nói riêng. Nhưng về cơ bản sẽ tuân theo những cam kết đã ký khi gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).
Còn về việc lên sàn, theo vị quan chức này, phải ít nhất 1 năm sau khi cổ phần hoá, công ty mới có thể lên sàn. Như vậy, nhanh nhất là vào cuối năm 2008 hoặc đầu năm 2009, VMS MobiFone mới có thể ghi danh trên sàn giao dịch chứng khoán.
Sau VMS MobiFone, các công ty viễn thông nằm trong danh sách cổ phần hoá tiếp theo là VinaPhone, Viettel Telecom và EVN Telecom. Tuy nhiên, các công ty này cũng chưa thực sự khởi động cho quá trình cổ phần hoá do còn chờ kết quả và học tập kinh nghiệm từ MobiFone. Viettel dự kiến sẽ cổ phần hoá các công ty hạch toán phụ thuộc trước, chẳng hạn như lĩnh vực bưu chính hoặc thành lập một công ty cổ phần về dịch vụ giá trị gia tăng. EVN Telecom cũng thay đổi cách nhìn của mình trong việc cổ phần hoá. Theo đại diện của EVN Telecom, lãnh đạo EVN dự kiến có thể sẽ thiết lập một công ty cổ phần chuyên kinh doanh dịch vụ thay vì cổ phần hoá EVN Telecom.