-
VIP: Giải trình việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2009
-
Lợi nhuận trên tầm ngắm tỷ giá Lợi nhuận trên tầm ngắm tỷ giá
Ông Nguyễn Đạo Thịnh
Chủ tịch HĐQT CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP)
Có một số lý do khiến VIP phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2009. Đầu tiên, trong hai tháng cuối năm, thời gian tàu chờ hàng của các tuyến hoạt động bên ngoài khá dài làm doanh thu vận tải của Công ty giảm, ước gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tỷ giá USD/VND bất ngờ được điều chỉnh tăng vào cuối tháng 11 khiến lợi nhuận của Công ty bị ảnh hưởng mạnh, ước tính sơ bộ vào khoảng 35 - 36 tỷ đồng. Vấn đề thứ ba khá tế nhị, trong bối cảnh chung hiện nay, các đơn vị vận tải khác gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ, nhưng 10 tháng đầu năm 2009, VIP vẫn đạt lợi nhuận tốt do mối quan hệ khá đặc thù với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nắm 51% cổ phần tại VIP). Vì vậy, đã xuất hiện nhiều ý kiến bên ngoài thắc mắc về lợi nhuận của Công ty. Để hài hòa lợi ích của các bên và quan hệ đối ngoại, HĐQT Công ty đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2009.
Nghị quyết HĐQT Công ty ra ngày 7/12/2009, nhưng tới ngày 11/1/2010 mới gửi cho Sở GDCK TP. HCM là do lỗi của bộ phận tổng hợp. Về việc này, các cá nhân liên quan đã bị khiển trách. Thực tế, sau phiên họp, ngày 8/12/2009 các thông tin trên đã được đăng tải trên website của Công ty. Do cán bộ phụ trách công tác công bố thông tin đi vắng nên việc gửi thông tin cho Sở bị chậm. Còn việc bán cổ phiếu quỹ, Công ty thực hiện theo kế hoạch và đã được công bố từ trước. Mục đích là nhằm thu hồi vốn, tập trung cho các dự án mà Công ty đang triển khai. VIP hoàn toàn minh bạch, sự cố vừa qua là do sơ suất. Công ty luôn ý thức về trách nhiệm công bố thông tin trung thực, kịp thời cho cổ đông. Thực sự VIP là DN vận tải đang hoạt động hiệu quả và ổn định so với nhiều công ty khác.
Bà Trần Anh Đào
Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, Sở GDCK TP. HCM
Ngay khi có thông tin trên báo chí về trường hợp của VIP, Sở đã có công văn yêu cầu Công ty giải trình bằng văn bản. Khi nhận được công văn trả lời, Sở sẽ công bố ngay để cổ đông biết lý do Công ty điều chỉnh lợi nhuận so với con số công bố thực hiện trước đó. Còn việc VIP chậm công bố thông tin, bộ phận giám sát của Sở sẽ điều tra làm rõ liệu có hay không việc giao dịch nội gián dựa trên các thông tin chậm công bố. Nếu có đầy đủ chứng cớ về các hành vi trên, Sở sẽ chuyển vụ việc lên UBCK để xử lý theo đúng quy định.
Về mặt quy định, mọi sai phạm dù xuất phát từ lỗi vô tình cũng đều bị xử lý. Tuy nhiên, với VIP, Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết vẫn đánh giá đây là công ty có ý thức cao trong việc công bố thông tin cho các cổ đông kể từ khi niêm yết.
Bà Hoàng Thị Hoa
Trưởng phòng Phân tích, CTCK Bản Việt
Về trường hợp VIP phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá, tôi cung cấp thông tin chung về vấn đề này như sau: Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 26/11/2009 là 17.961 và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là +/-3%, thay cho +/-5%. Với các điều chỉnh này, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng, tỷ giá trần giao dịch là 18.500 VND/USD - tương đương với tiền đồng mất giá khoảng 3,4% so với USD.
Khi tỷ giá thay đổi như trên, hưởng lợi nhiều nhất là các DN xuất khẩu, do doanh số thu về là ngoại tệ, trong khi nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu trong nước. Các DN này không bị ảnh hưởng bởi biến động của tỷ giá, mà còn được hưởng lợi từ việc mất giá của nội tệ. Có thể nhận diện một số nhóm ngành có nhiều thuận lợi khi đồng tiền mất giá là thủy sản (xuất khẩu cá, tôm), xuất khẩu cao su thiên nhiên.
Nhóm DN bị tác động tiêu cực là các DN phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, có vay nợ bằng ngoại tệ, nhưng không có nguồn thu bằng ngoại tệ. Một số DN trong ngành xi măng và điện đang bị áp lực này do không chủ động được nguồn ngoại tệ để trả nợ vay. Chi phí để mua bảo hiểm rủi ro biến động tỷ giá khá cao khiến nhiều DN ngần ngại và không thực hiện mua bảo hiểm.
Đối với các DN có nguồn thu ngoại tệ, việc vay nợ bằng ngoại tệ sẽ chịu ít tác động hơn từ biến động của tỷ giá. Ví dụ như trường hợp của nhóm ngành vận tải biển, dầu khí có nguồn thu ngoại tệ từ các hợp đồng cho thuê tàu biển/giàn khoan với nước ngoài có thể sử dụng nguồn thu này để trả nợ vay bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn thu ngoại tệ sụt giảm, việc hoàn trả nợ gốc và lãi của DN vượt quá nguồn thu ngoại tệ trong năm có thể dẫn đến lỗ đối với DN do chênh lệch tỷ giá. Do đó, NĐT lưu ý, tác động của biến động tỷ giá có thể rất khác nhau đối với từng nhóm ngành và tình hình nợ vay của từng DN cụ thể.
Thạc sỹ Lê Đạt Chí
Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM
Báo cáo tài chính của Việt Nam không quy định phải công bố thông tin việc sử dụng công cụ phái sinh để bảo vệ các rủi ro tài chính nên NĐT không hề biết đến rủi ro tỷ giá khi đọc báo cáo. Chẳng hạn, khi dự ĐHCĐ của PVT, nhiều người e ngại các khoản vay ngoại tệ của công ty này. Tại đại hội, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2008, PVT có khoản vay JPY khá lớn, nhưng đã ký một hợp đồng hoán đổi (swap) sang USD để hạn chế rủi ro tỷ giá (dòng tiền thu của Công ty là USD). Do đó, chỉ những người dự họp mới biết được. Đây là một vấn đề cần có sự thay đổi. Trong báo cáo thường niên tại nhiều TTCK trên thế giới, DN buộc phải công bố rủi ro về tỷ giá mà DN có thể gặp phải và công cụ sử dụng để phòng chống rủi ro này. Vấn đề của VIP là do Công ty không công bố số dư các khoản mục có gốc ngoại tệ cho NĐT được biết, khác với một DN khác là PPC. Hiện nay, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP và Thông tư số 201/2009/TT-BTC điều chỉnh lại cách xử lý vấn đề tỷ giá về các khoản vay bằng ngoại tệ của DN theo hướng linh động hơn trước đây.