VIOD sẽ thúc đẩy quản trị công ty Việt

(ĐTCK) Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) vừa được thành lập nhằm thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất trong quản trị công ty, nâng cao sức cạnh tranh và bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Quản trị công ty tốt giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và hoạt động hiệu quả hơn Quản trị công ty tốt giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và hoạt động hiệu quả hơn

Kế hoạch năm 2018 của VIOD

VIOD sẽ hoạt động dưới sự điều hành của Hội đồng quản trị, bao gồm 7 thành viên, với sự cộng tác, hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán trong khuôn khổ Sáng kiến Quản trị công ty Việt Nam (VCGI).

Ông Vũ Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD cho biết, VIOD hướng đến việc cung cấp cho thành viên hội đồng quản trị các doanh nghiệp kiến thức và các công cụ phù hợp để hoạt động hiệu quả hơn và cải thiện năng lực cạnh tranh của các công ty Việt Nam.

Trong năm 2018, VIOD sẽ tổ chức nhiều hội thảo và sự kiện dành cho các thành viên hội đồng quản trị về những chủ đề liên quan thông qua các chương trình quản trị tiên tiến.

Sự kiện đào tạo đầu tiên của VIOD là chương trình đào tạo ủy ban kiểm toán theo thông lệ quốc tế, sẽ được tổ chức vào ngày 30 - 31/5/2018. Ngoài ra, VIOD đã lên kế hoạch cho các hoạt động kết nối, xuất bản các báo cáo về quản trị công ty với sự trợ giúp từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các chuyên gia; đưa ra cẩm nang về quản trị công ty...

Thực trạng quản trị công ty và nhu cầu của thị trường

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch VCGI, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho biết, trong các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây của Chính phủ đều có nội dung nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Mới đây, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản trị công ty trong các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa... Cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản pháp lý về quản trị công ty, nhưng so với mặt chung trong khu vực, Việt Nam còn khoảng cách xa, đòi hỏi phải nỗ lực hơn từ nhiều phía.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD đánh giá, nhìn lại 20 năm qua, kể từ ngày Luật Doanh nghiệp ra đời, quản trị công ty tại Việt Nam có nhiều chuyển biến và đến nay, các quy định về quản trị công ty, quy tắc công bố thông tin được ban hành chi tiết, tiếp cận với thông lệ trên thế giới.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philipines và Indonesia thì quản trị công ty tại Việt Nam xếp hạng thấp nhất, đa số các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích lâu dài về quản trị công ty tốt.

Để hội nhập và cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư thì cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về quản trị công ty, trước tiên và quan trọng là thay đổi nhận thức từ phía doanh nghiệp.

Theo ông Thịnh, Việt Nam hiện có khoảng 10.000 thành viên hội đồng quản trị, tập trung ở hơn 1.420 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch và hơn 1.000 doanh nghiệp đại chúng chưa lên sàn. Phần lớn doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của hội đồng quản trị và đang thiếu thành viên hội đồng quản trị độc lập. VIOD sẽ nỗ lực cung cấp kiến thức về quản trị công ty và đào tạo các thành viên hội đồng quản trị.

Chia sẻ của một số doanh nghiệp niêm yết

Công ty cổ phần Traphaco (TRA) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện các quy định, áp dụng các thực tiễn tốt vào quản trị công ty, đổi mới hội đồng quản trị. Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị TRA cho biết, thành viên người nước ngoài, thành viên độc lập đã sớm xuất hiện trong Hội đồng quản trị TRA.

Trước đây, khi chưa có cổ đông lớn nước ngoài, bà Thuận đảm nhiệm cả vị trí chủ tịch và tổng giám đốc. Đến năm 2011, TRA đã tách bạch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, bổ sung thành viên hội đồng quản trị là người nước ngoài nên chất lượng quản trị được cải thiện.

Giữa năm 2017, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP về hướng dẫn quản trị công ty đại chúng, TRA đã nhanh chóng áp dụng, trong đó thành lập các tiểu ban trực thuộc hội đồng quản trị.

Chính nhờ hướng tới minh bạch và tăng cường quản trị công ty đã giúp TRA thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Kiến thức về phát triển bền vững, về hội nhập từ các thành viên Hội đồng quản trị đã giúp nâng tầm quản trị công ty, nội bộ Công ty cũng hoạt động tốt hơn khi mọi thứ đều rõ ràng, công khai, minh bạch.

“Bản thân tôi là chủ tịch hội đồng quản trị, tôi cảm nhận rõ sức mạnh, lợi ích từ rất nhiều phía do quản trị công ty tạo nên”, bà Thuận nói.

Lãnh đạo TRA chia sẻ, trong quá trình áp dụng các quy định mới về quản trị công ty có những lúng túng, các tiểu ban trực thuộc hội đồng quản trị có nhiệm vụ cụ thể gì, vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập sẽ phát huy ra sao, trưởng tiểu ban lương thưởng nhưng độc lập thì lực lượng này ở các doanh nghiệp khác hưởng lương như thế nào, giao dịch với các bên liên quan thì tiêu chí nào thì được xem là minh bạch…?

Theo bà Thuận, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng, thì thành viên hội đồng quản trị, nhất là thành viên độc lập cần có đạo đức, nhưng như thế nào là có đạo đức trong quản trị công ty, khác ra sao so với đạo đức xã hội... Đó là những vấn đề mà TRA kỳ vọng sẽ được giải đáp và đào tạo ở các tổ chức như VIOD.

Với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), doanh nghiệp này đã sớm xây dựng mô hình quản trị không có ban kiểm soát và thành lập 4 tiểu ban trực thuộc hội đồng quản trị, trong đó có tiểu ban kiểm toán, thay thế ban kiểm soát trước đây và 3/4 trưởng tiểu ban là thành viên độc lập.

Ông Lê Thanh Liêm, thành viên Hội đồng quản trị VNM cho hay, thời gian đầu thực hiện, VNM gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thành viên độc lập như phải đáp ứng được tiêu chí cao về năng lực chuyên môn, sẵn sàng cống hiến cho Công ty, có sự đồng thuận của cổ đông lớn... Nhưng công tác quản trị là việc mà nội bộ doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện nên “cứ có cái gì hay, áp dụng được, VNM sẽ làm”. VNM xác định, thay đổi mô hình quản trị giúp Công ty tăng cường tính minh bạch và hiệu quả, từ đó hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình điều hành từ doanh nghiệp có quy mô nhỏ đến quy mô lớn.

Kinh nghiệm của Singapore

Viện Thành viên Hội đồng quản trị Singapore (SID) đã có gần 20 năm hoạt động, với sứ mệnh “thúc đẩy quản trị tốt và đạo đức của lãnh đạo công ty”. Tính đến cuối tháng 2/2018, SID có 2.539 thành viên, bao gồm 349 hiệp hội, 204 công ty, 231 viện sĩ, 7 thành viên danh dự và các cá nhân khác.

Ông John Lim, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị và là thành viên danh dự SID cho biết, tầm nhìn của SID là cố gắng trở thành tổ chức quốc gia thúc đẩy mức độ cao nhất về giá trị đạo đức, quản trị và phát triển chuyên môn của thành viên hội đồng quản trị. Để làm được điều đó, SID cần có số lượng thành viên đủ lớn để có thể đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo tiếng nói đối với các cấp có thẩm quyền. Đến nay, SID đã thực hiện được mục tiêu này và được ghi nhận. Trên thị trường cũng đã xuất hiện các tổ chức tương tự SID.

Theo ông John Lim, SID không đặt mục tiêu hoạt động vì lợi nhuận, nhưng cần lợi nhuận mới có thể duy trì và phát triển hoạt động. SID hoạt động không phụ thuộc vào sự tài trợ của tổ chức nào mà nỗ lực tạo dựng nguồn ngân sách, kinh phí hoạt động thông qua lệ phí gia nhập và phí thường niên của các thành viên, số dư từ các chương trình đào tạo và các sự kiện thường niên khác.

SID đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm đặt ra quy tắc cho chính mình để hạn chế các sai trái, đảm bảo hoạt động ổn định cho tổ chức. SID được quản lý bởi Hội đồng quản trị bao gồm 20 thành viên, nhiệm kỳ tối đa là 9, trong đó có ít nhất 4 thành viên độc lập, nhiệm kỳ tối đa 2 năm. Bên cạnh Hội đồng quản trị có một thư ký hỗ trợ.

Các hoạt động chính của SID là xây dựng năng lực, phát triển chuyên môn, trong đó hướng đến các cấp độ trong hoạt động quản trị, tiếp cận nhiều loại hình doanh nghiệp, không chỉ đào tạo mà còn cung cấp các trải nghiệm quốc tế cho doanh nghiệp, xây dựng bộ cẩm nang hoạt động; vận động chính sách - lãnh đạo tư duy; đánh giá và công nhận - tiêu chuẩn và giải thưởng, là cách để so sánh, đánh giá và ghi nhận đối với các doanh nghiệp.

“Singapore có hệ sinh thái khá cân bằng về quản trị công ty bởi có khuôn khổ quy định hoàn thiện, cộng tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và các bên có quyền lợi liên”, ông John Lim nói và cho rằng, điểm quản trị công ty của Singapore hiện ở mức cao trong khu vực châu Á, nhưng để duy trì và tiếp tục cải thiện thì phải không ngừng nỗ lực, thúc đẩy, hướng dẫn và đào tạo về quản trị công ty.             

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục