Vĩnh Phúc thu hút đầu tư qua lối tắt

Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc vừa đón khách hàng đầu tiên là Tập đoàn Tsuchya TSCO đến từ Nhật Bản khi hai bên đã tiến hành ký kết thỏa thuận đăng ký giữ chỗ (thuê đất) tại KCN.
Lễ ký kết giữa hai nhà đầu tư dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc Lễ ký kết giữa hai nhà đầu tư dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc

Tập đoàn Tsuchya TSCO Nhật Bản là tập đoàn thương mại chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử và linh kiện ô tô được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1950 với 25 công ty tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. 

Tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, Tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà máy Tsuchya TSCO Hà Nội với tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD tại khu đất khoảng 4 ha. Nhà máy sẽ chuyên sản xuất băng sọc, nhãn mác ô tô, băng keo công nghiệp, sơn, sản phẩm hóa chất ô tô… Nhà máy dự kiến chính thức đi vào sản xuất từ tháng 3/2019.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc giao Ban Quản lý các KCN của tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các công việc thuận lợi. 

Đây có thể coi là thành quả bước đầu của Vĩnh Phúc trong việc chuyển đổi hình thức thu hút đầu tư trực tiếp thành gián tiếp thông qua các nhà đầu tư hạ tầng KCN. Thông qua các nhà đầu tư hạ tầng, bên cạnh gánh nặng thu hút đầu tư về địa phương được san sẻ, hiệu quả đầu tư chắc chắn cũng sẽ được tăng cao. Trước hết vì lợi ích của chính bản thân nhà đầu tư hạ tầng, sau nữa là do kinh nghiệm và hiểu biết của nhà đầu tư về hiện trạng doanh nghiệp bên nước họ.

KCN Thăng Long Vĩnh Phúc khởi công ngày 21/9/2017, có diện tích hơn 213 ha, nằm tại khu vực địa giới hành chính xã Thiện Kế và xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Đây KCN tiêu biểu, điển hình của tỉnh với dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút khoảng 79 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. 

Các ngành nghề thu hút vào KCN này chủ yếu các lĩnh vực công nghiệp không gây ô nhiễm; ưu tiên các dự án công nghệ cao như: sản xuất động cơ, công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy cùng sản phẩm phụ kiện điện tử, cơ khí chính xác... 

Sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp Nhật Bản với nhiều sản phẩm có giá trị, khả năng cạnh tranh mạnh được kỳ vọng tạo tiền đề phát triển bền vững, ổn định tại địa phương; đặc biệt là tạo bước đột phá cho công nghiệp Vĩnh Phúc vốn từ trước tới nay còn đơn điệu với sản phẩm chủ lực là ô tô, xe máy.

Anh Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục