Là lĩnh vực chủ lực đóng góp chiếm khoảng 50% tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn. Doanh thu sản xuất linh kiện điện tử đạt hơn 116.000 tỷ đồng, tăng 14,01% so với cùng kỳ.
Có được kết quả này, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng của các cấp, ngành, ngay đầu năm, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều chủ động sử dụng dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa nhiều công đoạn. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nên dù sử dụng ít lao động, nhưng năng suất vẫn tăng, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhiều đơn hàng lớn trong thời gian ngắn của các đối tác nước ngoài; nhiều mặt hàng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và được các tập đoàn đa quốc gia đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Cùng với sản xuất linh kiện điện tử, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 12,49% và ngành sản xuất kim loại tăng 9,66% do thị trường vật liệu xây dựng khởi sắc - nhu cầu xây dựng và sửa chữa gia tăng. Ngành sản xuất xe máy đã có sự tăng trưởng trở lại, ước tính tăng 1,58%. Đặc biệt, mặc dù giá cả nguyên vật liệu có thời điểm tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng nhờ sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư và hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, người dân từng bước phục hồi đưa giá trị gia tăng ngành xây dựng ước tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm ước tăng 9,89% so với cùng kỳ |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của tỉnh 6 tháng đầu năm ước tăng 9,89% so với cùng kỳ. Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 20/25 ngành có chỉ số sản xuất tăng, 05/25 ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm 2023. Các ngành có chỉ số tăng mạnh nhất là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 25,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,49%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 25,36%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 9,37%...
Phấn đấu cao nhất hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đã đề ra trong năm 2024, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất; tạo mọi điều kiện đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tập trung phát triển khu công nghiệp theo hướng chuyên sâu, công nghệ cao, bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Cùng với đó, khuyến khích các hình thức hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, kinh nghiệm sản xuất; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thị trường công nghệ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa lợi thế về liên kết vùng làm động lực thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và cả nước; tăng cường đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và công bằng, đạt mục tiêu “3 tốt” của tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện; hạ tầng kỹ thuật tốt; phục vụ doanh nghiệp tốt. Cùng với tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hướng tới các thị trường mới có thế mạnh về vốn, công nghệ như Châu Âu, Hoa Kỳ… Tuy nhiên, các dự báo cho thấy thị trường hàng hóa quốc tế trong thời gian tới sẽ có tăng trưởng nhưng chưa mạnh; tình hình xung đột chính trị, lạm phát kinh tế vẫn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và linh hoạt các phương thức bán hàng, nhằm nâng cao doanh số, giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.